Đối tượng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần có thể phải ngồi tù
Vừa qua, CATP Hà Nội đã phát hiện một đường dây 'chạy' bệnh án tâm thần. Hàng chục đối tượng hình sự đã làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an, trong đó có hơn 50% là bệnh án của đối tượng hình sự nguy hiểm. Do vậy, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng là cán bộ và nhân viên bệnh viện tâm thần để tiếp tục điều tra, xử lý.
Hồ sơ bệnh án tâm thần – “bảo bối” thoát tội?
Đáng buồn là sự việc trên không phải hi hữu, Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc tương tự, không ít cá nhân vi phạm đã bị xử lý hình sự.
Cách đây không lâu, tại tỉnh Thanh Hóa, Cơ quan ANĐT đã khởi tố bị can Nguyễn Đình Tấn (59 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, huyện Quảng Xương) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và Lê Đình Chiến (58 tuổi, nguyên cán bộ chính sách xã Quảng Minh) về các tội “Tham ô tài sản” và “Giả mạo trong công tác”.
Hành vi phạm tội của các đối tượng trên là trong quá trình thực hiện chế độ cấp phát kinh phí nghỉ dưỡng cho những người có công với cách mạng và chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội từ năm 2010-2013, lợi dụng chức quyền, Nguyễn Đình Tấn đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập hồ sơ để duyệt cho vợ, em dâu, một số thân nhân của cán bộ xã và một số trường hợp khác không bị bệnh tâm thần để hưởng chế độ tâm thần. Hành vi của các đối tượng trên đã làm thất thoát ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận.
Trước đó, tại huyện Ba Vì, Hà Nội, cơ quan điều tra đã xác định 2 đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, làm giả con dấu, tài liệu là Nguyễn Bá Tước, SN 1977, ở xã Tản Hồng và Phùng Công Tuân, SN 1983, ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu giữ được nhiều tài liệu, tang vật liên quan đến việc làm giả hồ sơ. Những đối tượng này đã lừa và thu hơn 20 triệu đồng của 11 gia đình cần làm hồ sơ chứng nhận tâm thần.
Như vậy, thời gian qua, không ít đối tượng vì mục đích vụ lợi đã “hô biến” những người khỏe mạnh thành …bệnh nhân tâm thần. Nghiêm trọng hơn, đã có không ít đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội lại thoát tội với lý do kẻ thủ ác “bỗng dưng” mắc bệnh tâm thần. Tờ giấy chứng nhận tâm thần được xem như “kim bài miễn tử”, nên nhiều tên tội phạm đã làm đủ mọi cách để có được và thủ sẵn “bảo bối” này. Ngoài việc giả tâm thần, làm giấy tờ giả, có đối tượng còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần thật rồi thay tên, đổi họ làm thành bộ hồ sơ giả nhằm chạy tội cho bản thân.
Cần xử lý nghiêm kẻ làm giả hồ sơ tâm thần
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, Điều 21 BLHS 2015 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lợi dụng quy định này, nhiều người đã tìm mọi cách có trong tay bệnh án tâm thần giả để đối phó với các cơ quan pháp luật.
Tuy nhiên, BLHS 2015 cũng đã quy định rõ về việc xử lý đối với những người làm công tác giám định làm giả hồ sơ tâm thần. Điều 382 quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội 2 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5 -10 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 -15 năm.
Ngoài ra, những đối tượng này còn có thể bị xử lý hình sự về tội Giả mạo trong công tác. Điều 359 BLHS 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 1-5 năm... Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm.
“Nhằm ngăn chặn các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giả vờ tâm thần hay giả mang bệnh hiểm nghèo hòng thoát khỏi sự trừng trị của pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng nếu thấy dấu hiệu đối tượng “chạy” hồ sơ bệnh án thì cần phải yêu cầu các cơ quan có chuyên môn giám định lại để đảm bảo trung thực, khách quan. Trường hợp phát hiện nhân viên tại các cơ sở y tế cố tình lập hồ sơ bệnh án sai lệch thì phải nhanh chóng kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – Luật sư Lê Hồng Vân nêu ý kiến.