Đối tượng quản lý đường dây lừa đảo, lương 200 triệu đồng/tháng
Hơn 13.000 nạn nhân đã sập bẫy đường dây lừa đảo xuyên biên giới của Phạm Thị Huyền Trang. Thậm chí có nạn nhân mất hơn 20 tỷ đồng.
Sau nhiều tháng theo dõi, công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và nhiều đơn vị liên quan... đã triệt phá đường dây này. Hiện đã xác định, từ tháng 5 năm ngoái đến nay, các đối tượng đã lừa được trên 1.000 tỷ đồng.
60 đối tượng bị bắt khi vừa nhập cảnh các cửa khẩu tại khu vực biên giới hoặc tới các sân bay trong nước. 2 tỷ đồng là số tiền mà 1 trong những đối tượng trong đường dây lừa đảo mỗi tháng.
Càng lừa được nhiều tiền tiền lương càng cao. Chính những cám dỗ vật chất đã khiến cho các đối tượng trở thành những người chủ mưu, quản lý, thậm chí viết kịch bản cho đường dây lừa đảo này.
Phạm Thị Huyền Trang - đối tượng quản lý tốt nghiệp một trường đại học Hà Nội, thông thạo tiếng Trung Quốc, là quản lý, đồng thời là phiên dịch cho đối tượng cầm đầu và các đối tượng nhân viên người Việt Nam. Đối tượng lương 200 triệu đồng mỗi tháng.
Nhóm đối tượng tại Campuchia đã mạo danh công an, viện kiểm sát, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân "cập nhật thông tin" rồi chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang khai nhận: "Ai cũng sẽ có một điểm yếu riêng, đối với phụ huynh học sinh người ta quan tâm đến con cái. Đối với người cần sử dụng giấy tờ quan tâm tới giấy tờ".
Nhiều đối tượng có trình độ đại học, cao đẳng có kiến thức về tin học, công nghệ được hưởng lương cao hơn.
Đối tượng Nguyễn Đức Toàn nói: "Một tháng lừa được một trăm triệu thì được 2,5% một tháng tháng. Số đỏ lương có thể 60-100 triệu."
Đối tượng Nguyễn Thị Phượng nói: "Bên quản lý viết cho một văn bản cực kì sát sao để chúng em học thuộc, phải học thuộc trong 7 ngày. Không có bí quyết người ta tin người ta làm..."
Hiện còn khoảng 300 đối tượng khác liên quan.
Vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra đồng thờ mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép.
Đại tá Bùi Chiến Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Phối hợp phía bạn tiếp tục truy bắt, những đối tượng đã về Việt Nam còn đang lẩn trốn, chúng tôi tiếp tục truy bắt. Có một số kiến nghị với các ngành các cấp trong quản lý dữ liệu cá nhân của công dân, quản lý tài khoản cá nhân, hiện nay tiền lừa đảo đều qua các tài khoản này và ra nước ngoài mới rút, chứ không phải mang tiền đi đường bộ qua nước ngoài".
Về việc truy thu số tiền nhóm đối tượng đã lừa đào, hiện cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Bắc Ninh đã phong tỏa số tài khoản của các đối tượng này.
Tuy nhiên thực tế, đa phần số tiền lớn của người dân bị chiếm đoạt đều trong những số tài khoản ngân hàng do đối tượng cầm đầu là người nước ngoài quản lý, nên việc lấy lại tiền cho người dân là rất khó khăn.