Đội tuyển Cứu hộ cứu nạn vững vàng tâm lý trước 'giờ G'
Là đội tuyển được thành lập cùng với 11 đội tuyển khác của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020, tuy nhiên, Đội tuyển Cứu hộ cứu nạn (CHCN) được tập trung huấn luyện muộn hơn vì lý do khách quan.
Thời gian ngắn huấn luyện tại thao trường của Trung tâm huấn luyện Tổng cục 12 (thành phố Sergiev Posad, LB Nga), các tuyển thủ của Đội tuyển CHCN vẫn vững vàng tâm lý, sẵn sàng tham gia Army Games 2020 với quyết tâm cao nhất.
Tại Army Games 2020, Cuộc thi “Cứu hộ cứu nạn” có sự tham gia của 10 đội tuyển đến từ Nga (3 đội), Belarus, Abkhazia, Congo, Mali, Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong khi Nga, Belarus, Abkhazia, Congo, Mali cử đội tuyển từ trong nước sang thi đấu, Việt Nam, Lào và Campuchia đều chọn các lưu học sinh quân sự đang học tập tại Nga vào đội tuyển của mình. 11 thành viên Đội tuyển CHCN của QĐND Việt Nam đều là học viên của Học viện Không quân Zhukovsky-Gagarin.
Cuộc thi “Cứu hộ cứu nạn” trong khuôn khổ Army Games 2020 có 3 phần thi, gồm: Vượt chướng ngại vật đặc biệt, tiếp sức và về đích. Nội dung cơ bản của từng phần thi lần lượt là cứu người bị mắc kẹt trong đống đổ nát trên mặt đất ở khu vực thảm họa, cứu người bị nạn trong đường hầm ở khu vực thảm họa và cứu người bị mắc kẹt ở trên nhà cao tầng trong khu vực thảm họa. Các tuyển thủ phải mặc bộ khí tài phòng độc, mang trang thiết bị bên mình và phải vượt qua nhiều chướng ngại vật ở khu vực xảy ra thảm họa có dải lửa tấn công kết hợp khói chất độc nhằm gây hạn chế tầm nhìn, cơ động khó khăn. Điều này đòi hỏi các tuyển thủ khẩn trương tiếp cận hiện trường, tìm kiếm và cứu người bị nạn ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong 3 phần thi đều có nội dung bắn súng K54.
Đây là lần thứ 2 đội tuyển CHCN của QĐND Việt Nam tham gia Army Games. Vì có nhiều đội tuyển tham gia luyện tập theo những khung giờ nhất định trên thao trường ở Trung tâm huấn luyện Tổng cục 12, nên thời gian luyện tập làm quen với trang thiết bị thi đấu thực tế của Đội tuyển CHCN không được nhiều. Đó là chưa kể tới việc quy chế thi đấu liên tục có sự điều chỉnh, thay đổi nhiều so với các năm trước. Ngoài ra, “cứu hộ cứu nạn” không phải là chuyên ngành đào tạo của các thành viên trong đội tuyển và 2/3 trong số họ là những gương mặt mới, chưa từng tham gia tranh tài ở Army Games. “Từng phần thi đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi các vận động viên vừa mang theo trang thiết bị vừa vượt qua chướng ngại vật. Ví dụ như chỉ với việc trèo qua tường cao 4-5m, nếu sơ suất là sẽ bị trật khớp, gãy tay, chân và có thể nghiêm trọng hơn, chứ chưa nói tới những chướng ngại vật nguy hiểm khác”, Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Đội trưởng Đội CHCN cho biết.
Khó khăn là vậy, nhưng theo Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, ngay từ khi được tập trung, đội tuyển đã xác định tham gia tranh tài ở một sân chơi quốc tế lớn như Army Games 2020 chính là một vinh dự lớn lao. Đây là cơ hội để góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của QĐND Việt Nam, đồng thời là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-LB Nga. Trong những ngày qua, đội tuyển vẫn luôn ra sức tận dụng không gian và thời gian tập luyện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tấm huy chương Đồng trong lần đầu tiên tham gia Army Games vào năm ngoái cũng tạo động lực thôi thúc đội tuyển hăng say luyện tập, phấn đấu đạt thành tích tốt nhất tại Army Games 2020.
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân (từ LB Nga)