Đội tuyển Việt Nam và 'triết lý Troussier'

Dù đội tuyển Việt Nam không thi đấu trận nào trong dịp FIFA Days (tháng 3/2023), song những bài luyện tập đầu tiên của những 'chiến binh sao vàng' dưới sự dẫn dắt của tân huấn luyện viên Philippe Troussier vẫn thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn và người hâm mộ. Thông qua những bài tập mà nhà cầm quân người Pháp áp dụng, chúng ta có thể mường tượng ra phần nào lối chơi của đội tuyển trong thời gian tới.

Huấn luyện viên Troussier bắt đầu tạo ra những dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Goals

Huấn luyện viên Troussier bắt đầu tạo ra những dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Goals

Ưu tiên kiểm soát bóng

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong triết lý cầm quân của Troussier chính là kiểm soát bóng. Nhà cầm quân người Pháp cũng yêu thích sơ đồ 3 trung vệ như người tiền nhiệm Park Hang-seo, tuy nhiên, cách triển khai lối chơi của hai người tương đối khác biệt nhau.

Nếu như thầy Park là người yêu thích lối đá phòng ngự phản công với khối đội hình phòng thủ tương đối co cụm và sử dụng những đường chuyền dài để tận dụng tốc độ của các cầu thủ trên hàng công thì với “phù thủy trắng” Troussier, ông lại là người ưu tiên việc xây dựng lối chơi một cách bài bản ngay từ phần sân nhà.

Đây chính là điểm cốt lõi trong những thay đổi của đội tuyển Việt Nam trong thời gian tới. Với Troussier, ông luôn yêu cầu các tuyến của mình chơi gần nhau. Cự ly tối ưu giữa cầu thủ chơi thấp nhất (không tính thủ môn) với người đá gần khung thành đối phương nhất đối với Troussier là 35m trở xuống. Các tuyến chơi gần nhau để tăng cường tính kết nối, tạo ra nhiều phương án chuyền bóng và tăng khả năng kiểm soát thế trận.

Lối chơi này đòi hỏi các cầu thủ ở tuyến dưới phải có khả năng cầm bóng và chuyền bóng tốt. Trong số những trung vệ được thầy Park ưu tiên sử dụng trong nhiệm kỳ của mình, Quế Ngọc Hải là cái tên nổi trội nhất về những kỹ năng này. Sẽ không có gì khó hiểu nếu như cầu thủ của Sông Lam Nghệ An tiếp tục là nhân tố trung tâm trong hàng phòng ngự của đội tuyển dưới thời Troussier.

Ở những lựa chọn còn lại, hai trung vệ kỳ cựu là Duy Mạnh và Bùi Tiến Dũng sẽ phải đón nhận sự cạnh tranh khốc liệt từ Thành Chung, Bùi Hoàng Việt Anh và Thanh Bình. Khi kỹ năng phòng ngự của những cái tên này không quá chênh lệch, ưu điểm về khả năng chuyền bóng sẽ là yếu tố quyết định để ông Troussier đặt niềm tin vào lựa chọn của mình. So với Duy Mạnh và Tiến Dũng thì 3 cầu thủ trẻ hơn đều nhỉnh hơn ở sự tự tin, thanh thoát khi cầm bóng.

Việc các hậu vệ chọn vị trí khi phòng ngự dưới thời Troussier cũng sẽ có nhiều khác biệt. Như đã nói, ông Troussier rất chú trọng đến cự ly đội hình, do đó, các hậu vệ sẽ phải di chuyển đồng bộ để vừa đảm bảo không để lộ ra những khoảng trống sau lưng, vừa sẵn sàng phối hợp với các tuyến trên. Theo các chuyên gia, “Phù thủy trắng” thường đặt ra “quy tắc 3m” cho các hậu vệ của ông. Đó là lùi 3m khi đội bạn có bóng để thu hẹp khoảng trống và ngay lập tức trở lại vị trí nếu như không có đường chuyền được tung ra, đảm bảo cự ly và giăng bẫy việt vị đối phương. Đây chính là một trong những bài tập sẽ được Troussier liên tục cho các học trò của mình rèn giũa kỹ càng.

Các tiền vệ trung tâm cũng sẽ phải làm quen với lối chơi mới một cách triệt để. Hùng Dũng và Hoàng Đức thời gian qua là những lựa chọn hàng đầu của thầy Park. Bộ đôi này đều từng là những Quả bóng Vàng Việt Nam và đủ kỹ năng để chơi thứ bóng đá kiểm soát mà Troussier yêu cầu. Tuy nhiên, họ cũng sẽ phải chú trọng nhiều hơn đến việc phân phối bóng và điều chỉnh nhịp độ trận đấu. Trong lối chơi phòng ngự phản công, các tiền vệ trung tâm thường có xu hướng xử lý nhanh tình huống để đưa bóng cho cầu thủ tấn công sớm nhất. Khi đội bóng chơi thiên về kiểm soát hơn, họ cần phải đưa ra những quyết định một cách điềm tĩnh và chính xác hơn.

Nhiều phương án tấn công

Trong số các ngôi sao của đội tuyển, tiền đạo Tiến Linh là người bày tỏ sự ấn tượng lớn nhất với phong cách của thầy mới Philippe Troussier. Cầu thủ của Becamex Bình Dương chia sẻ: “Phong cách của thầy Troussier có nhiều yếu tố mới mẻ, mang đến những sự thoải mái cho toàn đội. Các buổi tập diễn ra trong khoảng 2 ngày nên các bài tập chưa mang tính đối kháng cao, chủ yếu chú trọng vào khâu chuyền bóng và di chuyển. Lối chơi mới của Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam vẫn đang ở những bước cơ bản nhất”.

Với Tiến Linh, người có nhiệm vụ kết thúc các đợt tấn công của Đội tuyển Việt Nam, lối chơi thiên về kiểm soát bóng chắc chắn sẽ giúp anh có thêm nhiều cơ hội dứt điểm ở gần khung thành đối phương hơn. Tiến Linh là mẫu trung phong hiện đại có khả năng hoạt động độc lập, mặc dù vậy, trong cách chơi phòng ngự phản công dưới thời thầy Park, đôi khi Tiến Linh vẫn tỏ ra lạc nhịp, bởi sở trường của anh là thi đấu gần vòng cấm và chờ đợi thời cơ. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, thầy Park đã trọng dụng Phạm Tuấn Hải để chơi cặp với Tiến Linh, bởi cầu thủ của Hà Nội FC rất chịu khó di chuyển, nhờ đó có thể giúp cho Tiến Linh ít phải lui về hơn. Chân sút sinh năm 1997 đã chơi hiệu quả hơn hẳn nhờ cách bố trí này.

Trả lời phỏng vấn trong đợt hội quân ngắn ngày của đội tuyển, ông Troussier chia sẻ: “Tôi hy vọng trong tương lai, cầu thủ Việt Nam có thể chơi 45-50 trận V.League một mùa và mùa giải có thể kéo dài tới 10 tháng. Thứ hai, Đội tuyển Việt Nam cần tìm các đối thủ giao hữu mạnh hơn trong top 50, 60 FIFA. Các trận đấu kiểu đó sẽ giúp họ trưởng thành nhanh hơn”. Mong muốn kéo dài mùa giải tới 10 tháng của huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Việt Nam đã phải nhận nhiều phản ứng trái chiều đến từ những đồng nghiệp tại V.League.

Khi huấn luyện viên Troussier áp dụng lối chơi kiểm soát bóng, thu hẹp cự ly đội hình, Tiến Linh sẽ là người hưởng lợi lớn nhất. Những vệ tinh xung quanh chơi gần hơn đồng nghĩa với việc chân sút này có được sự hỗ trợ nhiều hơn và không dễ để các hậu vệ đối phương cô lập anh như trước đây. Cơ hội làm bàn về lý thuyết sẽ tăng lên, tất nhiên còn phụ thuộc vào chất lượng chung của cả tập thể, đặc biệt là những đường chuyền quyết định ở 1/3 phần sân đối phương.

Các cầu thủ tấn công hoạt động tốt trong không gian hẹp và có khả năng phối hợp đoạn ngắn như Văn Quyết, Quang Hải, Công Phượng cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn dưới thời Troussier. Ngược lại, những cầu thủ hợp với lối chơi phản công như Văn Đức, Văn Toàn sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với triết lý của người thầy mới.

Những cầu thủ trẻ đã chứng minh được chất lượng ở đội U20 và U23 Việt Nam chắc chắn sẽ được ông Troussier thử nghiệm. “Phù thủy trắng” vốn luôn mát tay trong việc phát hiện, nâng tầm những tài năng trẻ. Màn trình diễn của các thành viên U20 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn ở giải U20 châu Á vừa qua cũng hứa hẹn một lứa cầu thủ triển vọng. Khuất Văn Khang, Nguyễn Quốc Việt hay Nguyễn Văn Trường là những cái tên mà người hâm mộ tin rằng, họ có thể đem đến làn gió tươi mát cho những “chiến binh sao vàng”.

Hoàng Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-tuyen-viet-nam-va-triet-ly-troussier-post459592.html