Đôi vợ chồng Việt - Ấn và 3 con phải xa cách vì Covid-19
Chồng về Ấn Độ giải quyết công việc giữa thời điểm dịch bùng phát trở lại, Lê Bằng Vân (Hà Nội) một mình vừa trông các con nghỉ học ở nhà, vừa lo chuyện kinh doanh.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Lê Bằng Vân (Hà Nội, kinh doanh tự do) bất ngờ khi nhận thông báo học sinh toàn thành phố sẽ nghỉ học để chống dịch Covid-19, 3 con của chị đều phải ở nhà từ ngày 3/5.
Chị Vân gặp khó khăn khi từ tháng 2, chồng chị là anh Surya Mohan vừa trở về Ấn Độ để sắp xếp công việc và chưa thể trở lại Việt Nam. Dù đã chuẩn bị tâm lý dịch có thể bùng lại và đã quen với việc các con nghỉ học trong những đợt dịch trước, chị Vân không tránh được cảm giác lo lắng bởi sắp tới việc kinh doanh khá bận rộn.
"Trước tới nay chồng luôn phụ giúp mình chăm con, làm việc nhà. Đợt dịch này khó khăn hơn nữa là bởi mình phải một mình vừa chăm sóc các con, vừa lo lắng cho sự an toàn của anh trước tình hình dịch nghiêm trọng tại Ấn Độ. Nhưng mình cũng đã có kinh nghiệm một chút từ những lần dịch trước, biết sắp xếp mọi việc để lo cho các bé", chị Vân nói với Zing.
May mắn có ông bà trông giúp
Vợ chồng chị Vân có một con gái chuẩn bị lên lớp 1, bé trai thứ 2 học mẫu giáo, bé út mới 14 tháng tuổi thường gửi ở nhà trẻ. Thời gian các con nghỉ dịch, chị phải gửi bé lớn cho ông bà ngoại chăm sóc, đồng thời sắp xếp lịch sinh hoạt phù hợp để có thời gian làm việc.
Buổi sáng, chị gọi con dậy từ 7h30, giúp các bé vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi để con tự chơi với nhau khi mẹ bán hàng. Buổi chiều, 4 mẹ con chơi ở nhà ông bà ngoại, đến 19h30, chị đưa 2 bé nhỏ hơn về nhà để cho các con ngủ sớm.
"Mình vẫn giữ cho các con thói quen dậy sớm như lúc còn đi học. Tối khoảng 20h30-21h là các bé ngoan ngoãn đi ngủ. Tạo cho con nếp sinh hoạt như vậy mình mới có khoảng thời gian cho bản thân, để lấy sức chiến đấu cho ngày hôm sau nữa", chị chia sẻ.
Bà mẹ 3 con cho hay phải nghỉ học, không được gặp bạn bè nhưng các con vẫn được chơi với nhau nên không buồn chán.
Chị cho rằng sắp xếp thời gian khoa học sẽ giúp phụ huynh không bối rối khi con phải ở nhà. "Chuyện dở khóc dở cười nhất chỉ là nhà cửa lúc nào cũng lộn xộn, vừa dọn đã bị bày bừa, cửa hàng của mình cũng thành bãi chiến trường luôn vì mình không rời mấy đứa nhỏ được".
Những đợt dịch bùng phát trước đây, dù bận bịu kinh doanh song có chồng hỗ trợ nên chị cảm thấy không quá áp lực.
"Chồng mình từ nhỏ đã tự lập, biết lo lắng cho bố mẹ và các chị em nên cũng quen với việc nhà, hai vợ chồng không gặp tranh cãi gì. Khi anh ở bên này thì 4 mẹ con đi đâu cũng bố chở, anh còn nấu ăn ngon nữa nên mình chỉ việc vệ sinh cá nhân cho các con thôi. Nên không có chồng ở đây mình cũng vất vả hơn, nhưng đến hiện tại đã quen khi mọi thứ đi vào quỹ đạo".
"Hiện tại, mong muốn lớn nhất của mình là dịch bệnh sớm được khống chế để chồng có thể về với mấy mẹ con. Mình cũng động viên anh rằng cố gắng giữ gìn, không nên di chuyển khiến dịch lây lan, mình phải hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung của cả xã hội", chị Vân nói thêm.
Vợ chồng Lê Thái Sơn (Hà Nội) cũng gặp không ít khó khăn khi hai con, một bé gần 6 tuổi và một hơn 2 tuổi, phải nghỉ học ở nhà vì dịch bất ngờ bùng phát trở lại.
Thường ngày, khi lên lớp, các cô kỷ luật và "có uy" nên học sinh ngoan và nghe lời hơn, còn khi con ở nhà cả ngày, có muốn kỷ luật cũng chỉ được một lúc. Chưa kể không có bạn bè nên các bé chỉ loanh quanh xem tivi và chơi điện thoại.
"Chuyện cha mẹ vất vả hơn thì quá rõ, bởi ngoài chuyện mệt vì trẻ con hay mè nheo với bố mẹ, nếu không nhờ được ông bà hay ai đó trông hộ đồng nghĩa với phải mất một nhân lực ở nhà chăm con. May mắn vợ chồng mình được ông bà hai bên hỗ trợ nhiệt tình nên hiện tại công việc vẫn tạm ổn", anh chia sẻ.
Phân công nhân lực chăm con
Vợ chồng bác Nguyễn Thị Thương (60 tuổi, nhân viên viện dinh dưỡng tại Hà Nội) có 2 cháu nội, một trai và một gái. Ngày thường, việc đưa đón và chăm sóc các cháu ngoài giờ học phụ thuộc nhiều vào ông bà do con trai, con dâu đi làm bận rộn.
Cuối tháng 4, bác Thương bị bệnh và phải nhập viện điều trị. Thời gian này, gia đình vừa phải lo chăm sóc người bệnh, vừa phân công nhau đưa đón các bé.
Chiều 3/5, khi có thông tin các trường trên địa bàn thành phố cho trẻ nghỉ học, cả nhà lâm vào cảnh thiếu "nhân lực" vì bố mẹ và ông nội vẫn đi làm giờ hành chính, bà nội nằm viện, 2 cháu lại ở nhà.
"Nhà tôi hiện phải thuê người chăm viện theo ngày, 2 đứa nhỏ thì ở nhà một mình. Trưa ông nội tranh thủ chạy về nấu cơm, bố mẹ quay vòng trông người nằm viện, chăm con. Mới 2 ngày nhưng cả nhà đã mệt nhoài hết cả, không biết thời gian tới các cháu vẫn nghỉ thì phải giải quyết ra sao", chị Hoài Giang, cháu gái bác Thương, bày tỏ.
Phan Sương (30 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết thời gian cô con gái 7 tuổi nghỉ học ở nhà khiến công việc, cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn. Cả hai vợ chồng đều làm việc giờ hành chính tại văn phòng nên rất lo lắng ngay khi nhận được tin con nghỉ ở nhà.
"Mấy đợt dịch trước, mình có nhờ được cô em họ đến ở và chăm cháu. Nhưng thời gian đó em ấy cũng nói mệt mỏi vì không quen trông trẻ con, mất kiên nhẫn vì không biết làm sao để dạy cho cháu học bài. Đợt này em ấy mới xin được việc và cũng đi làm nên không thể nhờ được nữa".
Có một người bạn kinh doanh online tại nhà nên vài ngày qua, chị Sương đưa con gái sang nhờ bạn trông giúp. Buổi sáng chị tranh thủ đưa con sang rồi chiều tối đón về.
"Cô bạn nói cứ đưa con bé sang, nhưng mình cũng ngại vì bạn bận rộn, lại phải trông trẻ nhỏ, không thể cứ nhờ như vậy cho đến hết đợt dịch. Nhưng mình cũng không biết phải làm thế nào trong mấy ngày tới".