Đời voi, đời người: Dùng dằng chia tay
Nhìn đàn voi nhà già nua đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều chủ voi đã tìm cách xoay xở. Có người buồn bã chấp nhận xa con voi vốn đã gắn bó với mình hàng chục năm trời, nhưng cũng có chủ nhất quyết giữ voi ở lại theo cách riêng…
Tham quan miễn phí
Những ngày này, ông Đàng Năng Long (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk)- người sở hữu đàn voi nhà lớn nhất cả nước với 7 cá thể, khá bận rộn để thực hiện dự định chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang hướng mới vừa mang lại kinh tế cho người nuôi, lại nâng cao phúc lợi cho đàn voi nhà đó là sản xuất cà phê voi và cho du khách tham quan, chụp hình với voi miễn phí.
Sinh ra trong gia tộc có truyền thống nhiều đời nuôi voi, ông Long am tường mọi kiến thức, kinh nghiệm của nghề độc đáo ở xứ sở đầy nắng gió.
Sau nhiều năm cho voi phục vụ chở khách du lịch, ông Long nhận ra cần phải chuyển đổi mô hình này để voi có nhiều thời gian nghỉ ngơi, kết bạn, sinh sản. Ông đặt chân đến nhiều quốc gia có truyền thống nuôi voi, xem cách họ khai thác du lịch có sử dụng voi ra sao… Và rồi, ông quyết định thử nghiệm mô hình sản xuất cà phê voi; kết hợp cho du khách thăm. Theo đó, du khách sẽ chuẩn bị hoặc mua các phần thức ăn tốt cho sức khỏe của voi (cỏ, chuối…) và đến khu vực tập trung voi tham quan chụp hình với voi mà không mất phí.
Ông Long cũng là người cho voi ăn cà phê như dạng chồn sau đó thải bằng đường tiêu hóa. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một hình thức ngược đãi động vật. Hiện nay, hình thức bắt chồn ăn cà phê (thay vì tự nhiên) để lấy phân lẫn hạt cà phê khiến con vật kiệt sức, đang bị lên án.
Bẵng đi thời gian, ông Long “mất tích” một cách bí ẩn. Có người bảo, ông đã bán hết đàn voi, chuyển đi nơi khác sinh sống.
“Tôi không bao giờ có ý nghĩ bán voi. Do dịch COVID-19 không thể kinh doanh du lịch nên tôi đóng cửa nhà hàng. Tôi thả đàn voi vào rừng và thuê nài voi chăm sóc. Còn bản thân tìm môi trường kinh doanh mới, nhưng đi rồi mới thấy, không đâu bằng quê mình. Đàn voi chỉ thật sự hạnh phúc khi ở với buôn làng, quê hương huyện Lắk. Tôi phải giữ voi lại để con cháu mai sau còn biết đến”, ông Long chia sẻ lý do của lần trở lại này với dự định xây dựng hợp tác xã, tập hợp các chủ voi cùng chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi.
“Cứu hộ voi nhà”
Anh Y Vinh Êung (cùng ở thị trấn Liên Sơn) cũng đang định hướng phát triển du lịch thân thiện gắn với voi bằng việc đa dạng các sản phẩm du lịch có trả phí như: Du khách cho voi ăn, chụp hình cùng voi trong những bộ trang phục thổ cẩm tuyệt đẹp giữa hồ Lắk thơ mộng.
Những sản phẩm du lịch này vừa cho du khách những phút giây thú vị, dễ thương bên loài vật thông minh; vừa có cơ hội hiểu hơn về văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa. Đặc biệt, đây là hình thức tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẻ, góp phần thay đổi thói quen của du khách khi đến Đắk Lắk du lịch có sử dụng voi.
“Có những du khách rất yêu quý voi nhưng vẫn còn trường hợp hành động quá đáng như tìm cách lấy long đuôi voi… Gặp những vị khách này, tôi nhắc nhở ngay, nếu không tôn trọng, tôi từ chối phục vụ. Bởi, với chúng tôi, voi không đơn thuần vật nuôi, voi là thành viên đặc biệt trong gia đình. Sắp tới tôi sẽ triển khai thêm nhiều sản phẩm du lịch thân thiện với voi và hy vọng, du khách hào hứng trải nghiệm”, anh Y Vinh tâm sự.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Voi cho biết, chính sách “cứu hộ voi nhà” đã được phổ biến ở những nước có voi như Indonesia, Malaysia..., nhằm cứu hộ khẩn cấp những cá thể voi nhà sống đơn độc, già yếu, chủ voi không có điều kiện chăm sóc. Chủ voi sẽ được hỗ trợ một khoản tiền nhất định và có thể đi theo chăm sóc con voi từng sở hữu và được trả công.
Đã 3 năm không cho voi cõng khách, ông Y Thanh Uông- chủ voi xã Yang Tao, huyện Lắk mong muốn có khu chăn thả rộng cho voi trở về với tự nhiên. Ông cho hay, ngôi nhà lớn của voi vẫn là rừng.
Từ trước tới nay, voi vẫn di chuyển qua lại giữa buôn làng và rừng xanh. Ban ngày voi quanh quẩn với chủ, tối đến trở về rừng và ngược lại tùy theo từng thời điểm. Voi là thành viên đặc biệt, không thể tách rời khỏi đời sống văn hóa của người M’nông.
“Tôi sẽ không bán voi, chỉ cho voi tham gia mô hình thân thiện. Chúng tôi sẽ đi theo chăm sóc voi nên chỉ cần trả công tương xứng là được. Lâu lâu, chúng tôi sẽ đưa voi về thăm nhà và các thành viên trong gia đình, ông Y Thanh bày tỏ quan điểm khi được hỏi về chính sách “cứu hộ voi nhà” đã và đang được triển khai ở Đắk Lắk.
Ông góp ý nên xây dựng thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ gắn liền với văn hóa, thế mạnh riêng của Lắk như: Văn hóa cồng chiêng, rượu cần, ẩm thực, đặc biệt là trải nghiệm làng gốm cổ M’nông R’lăm chỉ có duy nhất ở Tây Nguyên.
Cuối năm 2021, Đắk Lắk cứu hộ thành công voi cái Khăm Phanh (45 tuổi) thuộc sở hữu của gia đình ông Y Gưh Trey (thường gọi Ma Thanh, người M’nông, xã Ea R’bin, huyện Lắk) thông qua chính sách “cứu hộ voi nhà”. Voi Khăm Phanh ở với gia đình Ma Thanh từ nhỏ, xung quanh không có đồng loại.
Sợ voi cô đơn, Ma Thanh đưa Khăm Phanh lên thị trấn Liên Sơn cho người khác thuê chở khách du lịch. Tuy nhiên, khi lên thăm, Ma Thanh thấy voi chảy nước mắt (biểu hiện buồn)… nên cả gia đình quyết định đưa về. Hằng ngày, Khăm Phanh cùng gia chủ lên rẫy, tối đến mới về nhà.
Thời gian trôi qua, Khăm Phanh đến tuổi “cặp kê” nhưng không có bạn tình khiến Ma Thanh rất trăn trở. Sau khi Trung tâm Bảo tồn Voi đặt vấn đề “cứu hộ voi nhà”, ông tổ chức họp gia đình, và quyết định để Khăm Phanh về với trung tâm, nơi đó có đồng loại để phục vụ mục tiêu bảo tồn, sinh sản…
Trước ngày voi Khăm Phanh lên đường, Ma Thanh tổ chức lễ cúng sức khỏe. Khăm Phanh cũng quỳ gối, cúi đầu tạm biệt gia chủ, hai bên mắt tuôn dòng lệ. Để bù đắp công sức chăm sóc voi Khăm Phanh suốt thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk, Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã hỗ trợ Ma Thanh hơn 1 tỷ đồng.
Trở về nhà sau khi tiễn voi Khăm Phanh đến nơi ở mới, Ma Thanh tâm sự: “Trống vắng lắm! Voi ở với gia đình tôi gần cả cuộc đời, không nhớ sao được. Nhưng tôi vẫn vui vì Khăm Phanh có đồng loại, khi nào rảnh, cả nhà tôi đón xe qua thăm”.
(Còn nữa)
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-voi-doi-nguoi-dung-dang-chia-tay-post1431811.tpo