Đốm sáng của thị trường dầu mỏ

Giá dầu thế giới gần đây được hỗ trợ mạnh, nhờ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 4 tới. Việc Nga và A-rập Xê-út hợp tác bảo đảm mục tiêu cắt giảm sản lượng cũng được kỳ vọng giúp duy trì ổn định thị trường dầu mỏ.

Giá dầu thế giới gần đây được hỗ trợ mạnh, nhờ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 4 tới. Việc Nga và A-rập Xê-út hợp tác bảo đảm mục tiêu cắt giảm sản lượng cũng được kỳ vọng giúp duy trì ổn định thị trường dầu mỏ.

Việc OPEC và các đối tác (OPEC+) nhất trí gia hạn cắt giảm sản lượng trong tháng 4 tới được coi là một trong những nhân tố chính duy trì đà tăng của giá dầu thế giới. Với quyết định mới, OPEC+ sẽ giảm tổng cộng khoảng 7 triệu thùng/ngày trong tháng tới, thấp hơn không đáng kể so với mức cắt giảm 7,05 triệu thùng/ngày của tháng 3. Nhận định nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ còn thấp do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nước OPEC+ đã nhất trí lộ trình cần thiết để hỗ trợ giá dầu. Theo đó, phần lớn các nước thành viên OPEC+ sẽ duy trì cắt giảm sản lượng, trừ Nga được phép tăng 130.000 thùng/ngày và Ca-dắc-xtan được tăng 20.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa. Riêng với A-rập Xê-út, “ông vua dầu mỏ” tiếp tục gia hạn cắt giảm tự nguyện một triệu thùng/ngày trong tháng 4 và sẽ xem xét chấm dứt cam kết này vào thời điểm phù hợp trong các tháng tiếp theo.

Dự báo lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã góp phần đẩy giá dầu tăng trong các phiên giao dịch gần đây. Theo OECD, nền kinh tế toàn cầu dự báo phục hồi với mức tăng 5,6% trong năm nay và 4% trong năm tới, cao hơn dự báo trước đó. Trong khi đó, gói cứu trợ khổng lồ, trị giá 1.900 tỷ USD, được Quốc hội Mỹ thông qua giúp thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư. Hiện giá dầu thô tăng hơn 80% so với mức ở thời điểm xuống thấp kỷ lục hồi cuối tháng 10 năm ngoái và tiếp tục đà tăng. Ngân hàng đầu tư JPMorgan mới đây điều chỉnh nâng dự báo giá dầu Brent trong năm 2021 và 2022 lên tương ứng 67 USD/thùng và 74 USD/thùng.

Các nhà sản xuất thuộc OPEC+ tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt thị trường dầu mỏ nhằm bảo đảm không có biến động mạnh về giá dầu. A-rập Xê-út và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã cam kết tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ OPEC+ nhằm ổn định giá dầu. Mức giá hiện nay phần nào phản ánh sự cân bằng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thêm vào đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu về dầu mỏ trong năm nay được kỳ vọng tăng trở lại, do nhiều nước đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 và các biện pháp kích thích tài chính. Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu năm 2021 tăng khoảng 200.000 thùng/ngày.

Thị trường dầu mỏ có thể sẽ biến động khó lường trong vài tháng tới, khi nhu cầu trong nửa cuối năm được dự báo tăng mạnh nhờ các hoạt động kinh tế tăng tốc. Một số nhà phân tích cho rằng, đà phục hồi giá “vàng đen” bắt đầu nóng lên. OPEC dự báo nhu cầu mua dầu thô của tổ chức này trong năm nay tăng khoảng 4,9 triệu thùng/ngày. Dù chưa thể bù lại mức sụt giảm tới 6,9 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái, nhưng đây vẫn sẽ là triển vọng tích cực. Các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang đứng trước cơ hội giảm bớt sức ép tài chính, bởi giá dầu cao hơn dự kiến sẽ giúp bù đắp thâm hụt ngân sách. Các nền kinh tế thành viên GCC sẽ được hưởng lợi từ nguồn thu dầu mỏ lớn hơn, trong bối cảnh giá dầu tăng có thể bù đắp cho sản lượng giảm.

Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ còn tiềm ẩn không ít rủi ro vì phụ thuộc nhiều vào diễn biến đại dịch Covid-19, cũng như những yếu tố liên quan địa - chính trị.

MỸ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/dom-sang-cua-thi-truong-dau-mo-638383/