Bảo tồn giống lúa nếp truyền thống, một HTX ở đất quan họ có thu nhập hơn 8 tỷ/năm

HTX Nông nghiệp Đức Lân (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã thu hút được hơn 500 thành viên tham gia, canh tác lúa nếp với diện tích gần 60ha, tạo doanh thu hơn 8 tỷ đồng mỗi năm. Hiệu quả từ mô hình hoạt động của HTX mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và phát huy thế mạnh nông sản chủ lực của địa phương.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Đức Lân, ông Tô Như Khoa - Giám đốc HTX Đức Lân luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để lưu giữ và phát triển hơn nữa giống lúa Nếp cái hoa vàng của quê hương. Đối với ông, phát triển sản xuất không chỉ là phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân mà giữ gìn "Nếp cái hoa vàng" là thương hiệu, là hương vị riêng của quê nhà.

Đầu tư hệ thống công nghệ cao

Nhận thấy người dân trong thôn canh tác lúa còn manh mún, kém hiệu quả, năm 2016, ông Khoa đã vận động bà con góp đất, góp vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập HTX Nông nghiệp Đức Lân và lựa chọn hướng kinh doanh phù hợp.

“Trong sản xuất nông nghiệp, việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, mà còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, HTX đã thay đổi theo hướng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững”, ông Khoa tâm sự.

Gạo Nếp cái hoa vàng Đức Lân đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Ninh.

Gạo Nếp cái hoa vàng Đức Lân đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Ninh.

Chia sẻ với VnBusiness về mô hình trồng lúa VietGAP, theo ông Khoa, thành công của HTX Nông nghiệp Đức Lân là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Việc vận động bà con lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do họ còn hoài nghi về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả từ thực tế đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.

Cả cánh đồng gần 60ha của HTX được xuống giống, chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu cho tới thu hoạch cùng thời điểm bằng máy bay không người lái. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng hạt gạo, tránh rủi ro của thời tiết, HTX đã đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát công nghệ cao trị giá 7 tỷ đồng, giúp người dân yên tâm hơn trong khâu thu hoạch.

Gạo hạt ngắn, hình dáng hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm nhẹ. Đặc biệt, sau khi nấu gạo dẻo, ăn ngậy và thơm. Hiện, gạo Nếp cái hoa vàng Đức Lân đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, HTX đã thành lập từng đội sản xuất nhỏ với 10 người/tổ, như đội vệ sinh môi trường, đội phòng trừ sâu bệnh... và lập sơ đồ, khoanh vùng từng diện tích, từng loại giống để dễ dàng trong việc chăm sóc, quản lý. Bên cạnh đó, HTX cho xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để giữ gìn vệ sinh môi trường. HTX cũng triển khai thực hiện ứng dụng IPM (biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp) vào sản xuất.

Tổ đội được thành lập với mục đích tập hợp, gắn bó những hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng trong thôn. Trong quá trình sản xuất, 10 thành viên nòng cốt này chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện tại từng hộ thành viên, có ghi nhật ký cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, thời gian bón phân, chăm sóc lúa…

Nâng cao thương hiệu "Nếp cái hoa vàng"

Xã Yên Phụ từ lâu đã "nức danh" với những cánh đồng lúa Nếp cái hoa vàng. Theo người dân địa phương, giống lúa này đã có từ thời xa xưa, thường được dùng để làm bánh, cốm, nấu rượu, đồ xôi,... tiến vua. Để phát triển thương hiệu lúa Nếp cái hoa vàng, những năm qua, HTX Nông nghiệp Đức Lân đã không ngừng mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tăng năng suất, chất lượng gạo và góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nghiêm Đình Hùng – Trưởng thôn Đức Lân (thành viên Hội Nông dân xã Yên Phụ) cho biết, xuất phát từ việc địa phương có truyền thống trồng lúa Nếp cái hoa vàng, Hội Nông dân xã đã có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ để HTX và hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển canh tác và sản xuất gạo Nếp cái hoa vàng.

Trong đó, Hội tập trung tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những phương pháp mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng lúa, hạn chế sâu bệnh; liên kết trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường… Một trong những HTX tiêu biểu trên địa bàn xã là HTX Nông nghiệp Đức Lân.

Cũng theo ông Hùng, nhờ có hướng đi đúng nên việc phục tráng và phát triển thương hiệu "Nếp cái hoa vàng" được HTX và nông dân thôn Đức Lân thực hiện bài bản, khoa học, coi đây là trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển thương hiệu giống lúa quý truyền thống.

Nhờ vậy, sản phẩm lúa nếp của HTX luôn đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất và nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.

Giám đốc Tô Như Khoa cho rằng, việc thành lập HTX để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết bài toán được mùa, mất giá ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Đến nay, HTX Nông nghiệp Đức Lân đã thu hút được trên 500 thành viên tham gia, sản xuất trên diện tích gần 60ha, với doanh thu hơn 8 tỷ đồng mỗi năm.

Phát huy hiệu quả chuỗi liên kết

Giống lúa Nếp cái hoa vàng được Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương nghiên cứu và phục tráng 3 năm 1 lần, nên hạt giống được nâng cấp và chất lượng gạo cao hơn trước. Bên cạnh đó, việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân bón sinh học thân thiện với môi trường, phát triển các loại thiên địch để bảo vệ cây lúa, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa nếp tại HTX Nông nghiệp Đức Lân được hình thành trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đánh giá, HTX Nông nghiệp Đức Lân với mô hình trồng lúa nếp đã và đang tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế tại địa phương. Nhờ vào việc thiết lập chuỗi liên kết hiệu quả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, HTX không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp bà con nông dân ổn định đời sống.

Giống lúa Nếp cái hoa vàng được Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương nghiên cứu và phục tráng 3 năm 1 lần, nên hạt giống được nâng cấp và chất lượng gạo cao hơn trước.

Giống lúa Nếp cái hoa vàng được Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương nghiên cứu và phục tráng 3 năm 1 lần, nên hạt giống được nâng cấp và chất lượng gạo cao hơn trước.

Từ việc cung ứng giống lúa nếp chất lượng cao đến hỗ trợ kỹ thuật canh tác, HTX đã đóng vai trò then chốt trong việc đồng bộ hóa quy trình sản xuất. Các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết đều được hưởng lợi từ việc giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa nếp.

Một trong những điểm nổi bật của chuỗi liên kết tại HTX Đức Lân là quy trình "khép kín" từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến và tiêu thụ. HTX đã đầu tư vào hệ thống kho bãi, máy móc hiện đại để bảo quản và chế biến lúa nếp sau thu hoạch.

“Chuỗi liên kết không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào phát triển bền vững của địa phương. Bằng cách tham gia vào HTX, người nông dân được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Điều này giúp họ yên tâm sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Đồng thời, việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững trong chuỗi liên kết cũng giúp bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển lâu dài của ngành nông nghiệp”, ông Nghiêm Đình Hùng – Trưởng thôn Đức Lân đánh giá.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/bao-ton-giong-lua-nep-truyen-thong-mot-htx-o-dat-quan-ho-co-thu-nhap-hon-8-ty-nam-1101742.html