Dominic Cummings - cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Anh
Ngay sau khi được bầu làm Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson lập tức thay đổi bộ sậu tại số 10 phố Downing. Một trong số những gương mặt mới bước chân vào làm việc trong tòa nhà số 10 phố Downing là Dominic Cummings, gương mặt quen thuộc với giới chính trị London kể từ khi vấn đề Brexit nổi lên.
Với vai trò cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng Boris Johnson, Dominic Cummings sẽ phụ trách công tác tuyển trạch các cố vấn đặc biệt để phục vụ cho các bộ trưởng trong chính phủ mới, việc vốn trước đây được giao cho các bộ ngành tự lo.
Theo thông lệ, việc bổ nhiệm các cố vấn đặc biệt được giao cho các bộ trưởng nội các vì chính những vị này sẽ chịu trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động, đạo đức công vụ của các cố vấn đặc biệt đó, theo Luật Cải cách Hiến pháp và Điều hành năm 2010. Tuy nhiên, với những sự thay đổi trong quy tắc điều hành dưới thời Thủ tướng Johnson, việc tuyển mộ các cố vấn được tập trung về đầu mối tại số 10 phố Downing.
Việc Thủ tướng Johnson bổ nhiệm một người có cá tính gây chú ý mạnh như Cummings ngồi vào ghế cố vấn đặc biệt cho mình khiến giới chính khách cũng như công chức bảo thủ ở London lo lắng. Thứ nhất, là một người luôn hoạt động trong các chiến dịch, ông Cummings không thích kiểu làm việc cũ kỹ ở số 10 phố Downing, gọi bộ máy làm việc tại đó là “già cỗi”.
Hồi tháng 6, ngay cả khi chưa được chọn làm việc cho Chính phủ Anh, ông đã viết trên trang web cá nhân kêu gọi cải cách lề lối làm việc trong số 10 phố Downing và chấm dứt ảnh hưởng của tư tưởng siêu thực trong các quan chức cấp cao. Thời gian gần đây, báo chí Anh từng có bài viết về thái độ “thù ghét” giới công sở nói chung của ông và điều này khiến người ta lo ngại rằng sắp tới ông có thể sẽ làm xáo trộn mọi thứ vốn đã ổn định “đâu vào đấy” mà mọi người không muốn thay đổi nó.
Thứ hai, là một người hoạt động trong các phong trào chính trị đường phố, ông lại khiến giới chính trị lo lắng sẽ phá hỏng những lề lối chính trị truyền thống ở London. Tháng 3-2019, ông Cummings từng bị cáo buộc “khinh thường nghị viện” vì không chịu trình diện để làm chứng bằng lời nói khi có lệnh triệu tập của Hạ viện Anh. Hạ viện Anh khi đó đang tiến hành điều tra cáo buộc tin giả trong cuộc trưng cầu ý dân Brexit tháng 6-2016 và việc Cummings không ra làm chứng khiến cho cuộc điều tra gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể đưa ra kết luận cuối cùng về hành vi tung tin giả, ai là thủ phạm thật sự (chủ yếu nhằm cáo buộc nước Nga can thiệp vào Brexit).
Dù giới chính trị bảo thủ ở London không thích ông Cummings nhưng những gì ông làm có thể sẽ tạo ra những thay đổi mới mẻ cho số 10 phố Downing.
Tuy nhiên, giới quan sát chính trị ở London cho rằng quan điểm cải cách của ông Cummings hoàn toàn có thể thực hiện được ở số 10 phố Downing nhưng điều đó khó triển khai trước khi thực hiện xong tiến trình Brexit.
Cho đến nay, tiến trình Brexit vẫn đang trong tình trạng “tiến không tiến, lùi không lùi”, có nghĩa là đang đứng yên tại chỗ vì hai bên đang thiếu tiếng nói chung. Thủ tướng Johnson từng phát biểu ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 7 rằng nhiều khả năng nước Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận nào, một viễn cảnh mà giới chính trị Anh không muốn xảy ra do lo ngại sẽ có tác động xấu đến kinh tế Anh. Sau phát biểu đó, Johnson đã đặt những điều kiện mới với EU để thương lượng lại thỏa thuận Brexit, trong đó ông yêu cầu Brussels bỏ điều kiện biên giới Ailen trong thảo thuận và tuyên bố Anh sẵn sàng cho một cuộc chia tay “không thỏa thuận”.
Dư luận báo chí và giới chính khách đều lo ngại rằng một Brexit không thỏa thuận sẽ đẩy nước Anh vào tình thế “rơi tự do”. Ở phía ngược lại, phái ủng hộ quan điểm của Johnson cho rằng kinh tế nước Anh chưa chắc “rơi tự do” sau hạn chót 31-10 nhưng nếu cứ dùng dằng “nửa ở nửa đi” kiểu này liệu kinh tế Anh có thoát khỏi nguy cơ trì trệ không?
Trong bối cảnh như thế, việc Thủ tướng Johnson đưa ông Cummings vào số 10 phố Downing là có dụng ý rõ ràng. Không ai không biết Cummings là “người của Brexit”, có chủ trương Brexit tuyệt đối. Năm nay 48 tuổi, Cummings nổi tiếng là người đứng đằng sau làm “tổng đạo diễn” cho chiến dịch vận động nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và khi bước chân vào số 10 phố Downing, ông cũng sẽ đảm nhiệm trọng trách giúp Thủ tướng Anh Johnson điều phối tiến trình nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 tới.
Xuất thân từ thành phố Durham, Đông Bắc nước Anh, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử Đại học Oxford, ông Cummings có một thời gian (1994-1997) sang Nga sinh sống và làm việc cho các dự án, trước khi tham gia nhóm doanh nhân xây dựng đường bay từ vùng Samara (Nam Nga) sang Vienna (Áo). Sau một thời gian làm trong khu vực tư nhân, ông trở về Anh, làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Từng làm việc trong Bộ Giáo dục Anh thời ông Michael Gove làm Bộ trưởng, ông Cummings vốn nổi tiếng là người nhanh trí, trực tính, nói thẳng, không ngại va chạm nhưng đôi khi phát ngôn những lời lẽ bị coi là “xấu mồm”. Trong giai đoạn vận động sôi nổi trước cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, Cummings từng là Giám đốc Phong trào Vote Leave. Với cương vị này, ông Cummings đã dày công nghiên cứu để vạch ra chiến lược vận động cho phái ủng hộ Brexit và giúp cho phái này giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016.
Trong giai đoạn ông Johnson vận động tranh chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và ghế Thủ tướng Anh, không ai thấy ông Cummings xuất hiện bên cạnh ông Johnson nhưng ở hậu trường thì ngược lại, hai ông thường xuyên liên lạc với nhau trong suốt nhiều tháng liền.
Một cựu nhân viên từng làm việc cho cựu Thị trưởng London Johnson khẳng định, không nghi ngờ gì nữa, chính trong giai đoạn liên lạc thường xuyên đó, Cummings đã giúp ông Johnson vạch ra chiến lược tranh cử để từ đó đánh bại các đối thủ trên đường đua một cách khá dễ dàng.