Đón Bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể
Sự kiện là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Nho- Vang Ninh Thuận năm 2023.
Thông báo mới đây của UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” sẽ diễn ra trong đêm khai mạc Lễ hội Nho- Vang Ninh Thuận năm 2023, ngày 15/6, tại Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Trong thông báo, UBND tỉnh Ninh Thuận gửi lời mời trân trọng tới nhân dân và du khách đến tham dự trực tiếp sự kiện, hoặc đón xem truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 20h cùng ngày.
Lễ hội Nho và Vang là lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận được tổ chức 2 năm/ 1 lần, nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc và tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.
Tại phiên họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Rabat, Maroc, từ 28/11-3/12/2022, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Sự kiện này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022.
“Việc tổ chức đón nhận Bằng công nhận của UNESCO sẽ tạo sự lan tỏa đến nhân dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.”, thông báo của UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.
Sản phẩm gốm Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ thờ cúng, đồ mỹ nghệ do bàn tay người phụ nữ tạo nên. Tri thức và kỹ năng đặc thù của nghề làm gốm được trao truyền trong gia đình. Thực hành văn hóa này mang lại một nguồn thu nhập, đồng thời cũng là phương thức gìn giữ, bảo vệ tập quán của người Chăm ở Việt Nam.
Khác với kỹ thuật làm gốm phổ biến trên thế giới, đặc trưng cơ bản trong kỹ thuật tạo tác gốm của người Chăm ở chỗ không dùng bàn xoay, người nặn gốm (thường là nữ) chạy giật lùi quanh bệ nặn để tạo hình gốm.
Các công đoạn sản xuất gốm toàn thủ công.
Ngoài ra, gốm không được tráng men mà được nung bằng củi và rơm từ 7-8 giờ, ở nhiệt độ khoảng 800 độ C.
Nguyên liệu thô, gồm đất sét, cát, nước, củi và rơm là nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Kiến thức và kỹ năng làm gốm được truyền lại cho các thế hệ trẻ trong gia đình thông qua thực hành.