Đòn bẩy để nông sản Việt đi xa

Liên minh châu Âu và các đối tác đã tài trợ 1,5 triệu EUR cho Dự án 'Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái, công bằng tại Việt Nam' (Eco-Fair). Dự án này được xem như đòn bẩy thúc đẩy thực hành sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản sinh thái, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn, sinh kế bền vững ở Việt Nam.

Vườn mướp đắng của HTX Thủy Dương (Thừa Thiên - Huế) phát triển theo mô hình sinh thái, công bằng

Vườn mướp đắng của HTX Thủy Dương (Thừa Thiên - Huế) phát triển theo mô hình sinh thái, công bằng

Chú trọng sinh thái, bền vững

Sản xuất nông sản, thực phẩm theo hướng bền vững, sinh thái đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp (DN) khi mà yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn về an toàn thực phẩm cùng các tiêu chí thỏa thuận bảo vệ môi trường.

Từ khi còn làm việc tại Công ty Nestle Việt Nam, anh Trương Thanh Viện luôn cảm thấy buồn cho nông dân khi phải bán thô nông sản với giá rẻ cho các tập đoàn lớn ngay khi họ đặt chân vào Việt Nam. Họ thu mua sản phẩm nông nghiệp thô của người dân mang về chế biến sâu, xây dựng thành thương hiệu của họ. Điển hình như hạt điều. Việt Nam có nguồn nguyên liệu rất dồi dào nhưng không có DN nào xây dựng được một thương hiệu Việt tầm cỡ. Trước những trăn trở, suy tư, anh Viện nung nấu ý tưởng khởi nghiệp tạo ra một thương hiệu nông sản cho người Việt. Năm 2017, anh đã cho ra đời “đứa con tinh thần” đầu tiên mà anh từng ấp ủ mang tên Hợp tác xã Điều hữu cơ True.coop (Ninh Thuận).

Đến nay, True.coop đã có 5.000ha vùng nguyên liệu điều đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức Organic USDA, EU. Trong các vùng nguyên liệu, anh Viện đều tư vấn cho người nông dân trồng trọt theo lối tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, True. coop cũng đã có 1 triệu cây điều giống ươm, trồng. Tất cả giống cây tại True.coop đã được kiểm duyệt rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo tính minh bạch đối với người tiêu dùng.

Ông Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Minh Phú (thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) cho biết, DN thực hiện các dự án chứng nhận vùng nuôi tôm sinh thái, hữu cơ trong rừng đước tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vừa bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phát triển nghề nuôi tôm rừng truyền thống vừa thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa của nghề nuôi tôm; xây dựng hình ảnh thương hiệu và nâng cao giá trị tôm sinh thái, hữu cơ như đặc sản của địa phương. Tính đến năm 2021, đơn vị đã sở hữu vùng nuôi tôm sinh thái, hữu cơ với tổng diện tích 9.722ha với 2.010 hộ dân. Sản phẩm tôm hữu cơ của công ty hiện đang được xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản.

Kết nối tìm đầu ra

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam, cần tập trung tăng cường thông tin và kết nối sâu rộng giữa các đơn vị, từ hợp tác xã sản xuất đến DN phân phối và cuối cùng là người tiêu dùng. Ông Lê Hoàng Sâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất và phân phối nông sản (VBA - Food), cho biết, để hỗ trợ đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp, đơn vị đang phối hợp với Eco - Fair nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển hệ sinh thái của ngành nông nghiệp Việt Nam, kết nối người tiêu dùng, nhà phân phối và nhà sản xuất thành một “gia đình”, có chung định hướng và quyền lợi mật thiết với nhau.

Theo TS Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn (VIRI), Giám đốc dự án Eco-Fair, Eco-Fair ra đời với sứ mệnh thay đổi hành vi các tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra những biện pháp tích cực về xã hội và cải thiện môi trường. Dự án đào tạo cho hơn 1.000 DN, tiếp cận hơn 1 triệu người tiêu dùng, quảng bá về tiêu dùng bền vững, trong đó đã có 200 DN được đánh giá nhanh về việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Khi các DN được chứng nhận bền vững sẽ được kết nối với khách hàng có yêu cầu mua hàng bền vững trên toàn thế giới. Kỳ vọng doanh số cho các mặt hàng như gạo, điều, rau củ quả chế biến… sẽ tăng lên khoảng 30%.

Ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết, trong nhiều thập kỷ, EU đã đi đầu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Dự án Eco-Fair mang đến một cơ hội tốt để Việt Nam tiến tới hình thành ngành nông sản bền vững hơn, thông qua việc thu hút các bên liên quan trong chuỗi giá trị gồm khu vực tư nhân, các nhóm người tiêu dùng và nhà hoạch định chính sách để đạt được mục tiêu chuyển sang sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

Bà Tô Hải Yến, Điều phối dự án Eco-Fair, cho biết, DN thuộc các tiểu ngành như gạo, điều, rau củ chế biến, hoa quả chế biến, sản phẩm thủy sản chế biến, sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm… có thể tham gia khóa học trực tuyến về sản xuất bền vững. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của dự án nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa thực hiện các thực hành sinh thái, công bằng, góp phần vào chiến lược phát triển bền vững DN. Sau khóa đào tạo, các DN được lựa chọn để tham gia vào các hoạt động tiếp theo của dự án tư vấn tại DN nhằm hỗ trợ áp dụng nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), đổi mới sản phẩm bền vững, các chứng nhận sinh thái, công bằng, thiết kế bao bì, kết nối thị trường, tiếp cận tài chính xanh…

MINH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/don-bay-de-nong-san-viet-di-xa-793335.html