Đòn bẩy để xuất khẩu rau quả cán mốc 4 tỷ USD
Mặc dù đạt mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm, tuy nhiên, để xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong cả năm, doanh nghiệp cần thêm nhiều đòn bẩy.
Điểm sáng xuất khẩu
Rau quả là một trong số ít nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt trong các tháng đầu năm 2023, có được kết quả này là nhờ nỗ lực mở cửa thị trường của chính phủ, đặc biệt là xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, bưởi vào Mỹ, nhãn vào Nhật Bản.
Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, do sản phẩm đa dạng, lại tham gia chế biến sâu và đóng gói đạt chuẩn, đối tác yêu cầu nên công ty nhận được rất nhiều đơn hàng. Có những mặt hàng trái cây doanh nghiệp không đủ cung ứng cho nhà nhập khẩu. Không chỉ thị trường Trung Quốc, Mỹ mà các thị trường khác cũng vậy. Hiện nay công ty đang tăng cường thu mua, đẩy mạnh sản xuất, tăng giờ làm để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Tương tự, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với các đơn hàng ký kết trong năm 2023, doanh nghiệp đã đạt hơn 200 tỷ đồng và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới, nhất là giai đoạn cuối năm.
Để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng giờ làm và ký kết các hợp đồng vận chuyển ngay cả trong những ngày nghỉ để đảm bảo cung cấp đúng khối lượng, đúng thời gian, đảm bảo chất lượng các đơn hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế, 4 tháng đầu năm, rau quả cũng là một trong số ít nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Số liệu thống kê hải quan cho thấy, trong tháng 4, rau quả đạt 410 triệu USD, tăng đột biến 175% so với tháng 4/2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: thanh long, sầu riêng, xoài, mít... Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả tăng mạng là do Việt Nam ký được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang, chuối sang thị trường Trung Quốc; và bưởi đi Mỹ, chanh đi New Zealand.
Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành rau quả 4 tháng đầu năm. Chỉ sầu riêng đã mang lại 420 triệu USD kim ngạch trong năm ngoái. Trước mắt việc xuất khẩu đang rất thuận lợi. Nếu tình hình thuận lợi kéo dài, kim ngạch trái cây vua này sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm nay.
Cần thêm nhiều "đòn bẩy"
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã hỗ trợ rất tốt Hiệp hội bằng việc mở cửa nhiều thị trường, tham gia các hội chợ ở HongKong, Đức … và tham tán thương mại ở các nước cũng đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giúp ngành rau quả tiếp cận thị trường các nước.
Nhờ vậy, doanh nghiệp rau quả đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada, Hàn Quốc … nhưng để giữ thị trường cũng như duy trì, nâng cao và đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu rất cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Trí Việt cho rằng, rau quả là ngành hàng tiềm năng. Tuy nhiên, để xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong cả năm, cần thêm nhiều đòn bẩy.
Theo đó, cần ký kết thêm nghị định thư cho một số mặt hàng đã xuất khẩu chính ngạch như: thanh long, xoài, dưa hấu, mít, chôm chôm... Thị trường Trung Quốc cần mở cửa thêm cho các mặt hàng như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
Đồng thời đẩy mạnh thêm các hoạt động để mở cửa thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Ngoài ra, phải kêu gọi đầu tư vốn, công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp chế biến rau quả nhằm tăng thêm giá trị xuất khẩu.
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty VINA T&T cho rằng, để tránh rủi ro trong thương mại quốc tế, bớt phải sàng lọc và có thể tiếp cận một cách tốt hơn với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều hơn nữa thông tin về các thị trường nhập khẩu, đặc biệt từ các tham tán ở các nước, vì hơn ai hết tham tán là người hiểu rõ thị trường cũng như “sức khỏe” của nhà nhập khẩu tại thị trường đó.
Vấn đề chất lượng rau quả xuất khẩu nói chung và sầu riêng nói riêng rất cần được quan tâm. Bởi sau khi Việt Nam xuất khẩu nhiều sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Việt Nam đã chuyển hướng sản xuất, họ không chú trọng đến số lượng mà chú trọng đến chất lượng sầu riêng. Bên cạnh đó, họ đang làm việc này rất nghiêm túc. Trong khi đó, chất lượng trái sầu riêng của Việt Nam còn khá lỏng lẻo, nhất là việc quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói.
“Nếu chúng ta không làm tốt những phần việc này rất dễ mất thị trường Trung Quốc và mục tiêu xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc có thể lung lay. Tóm lại, chúng ta đã rất khó khăn trong việc mở cửa thị trường nhưng để giữ được thị trường lại càng khó hơn, vì vậy rất cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương”, Tổng giám đốc VINA T&T nói.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-bay-de-xuat-khau-rau-qua-can-moc-4-ty-usd-253811.html