Đòn bẩy đưa đất nước tiến lên

Trong bài viết 'Sức mạnh của đoàn kết', Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đoàn kết là chiến lược xuyên suốt, là 'sợi chỉ đỏ' dẫn dắt mọi hành trình cách mạng của dân tộc. Lời khẳng định ấy như ngọn lửa soi sáng, nhắc nhở rằng trong công cuộc tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền hai cấp, chỉ có sự đồng tâm hiệp lực mới có thể biến khát vọng thành hiện thực, đưa đất nước vươn tới những đỉnh cao mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh minh họa: TTXVN

Hơn bốn nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã chứng minh sức mạnh đoàn kết là vũ khí vô song. Từ những ngày dựng nước Văn Lang, Âu Lạc đến các triều đại oai hùng và cả những thời khắc sinh tử của thế kỷ 20, đoàn kết đã giúp chúng ta vượt qua muôn vàn thử thách. Hôm nay, khi đất nước đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới - trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, tinh thần ấy lại càng trở nên cấp thiết, đặc biệt trong công cuộc tái cấu trúc bộ máy Nhà nước, hướng tới chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tinh gọn bộ máy không chỉ là việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính hay cắt giảm biên chế. Đó là một cuộc cách mạng sâu rộng, đòi hỏi sự đồng thuận từ mọi tầng lớp, từ cán bộ lãnh đạo đến người dân. Sáp nhập các đơn vị hành chính, chuyển đổi từ ba cấp xuống hai cấp chính quyền là bước đi táo bạo, mở ra không gian phát triển mới. Những vùng đất vốn tách biệt nay có cơ hội liên kết chặt chẽ, quy hoạch đồng bộ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Nhưng để thành công, cần hơn bao giờ hết một khối đại đoàn kết thực chất, nơi mọi cá nhân, tổ chức đều đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cục bộ.

Đoàn kết trong tư duy là nền tảng đầu tiên. Chúng ta phải dứt bỏ lối nghĩ “cục bộ địa phương”, vượt qua tư duy nhiệm kỳ ngắn hạn để hướng tới tầm nhìn dài hơi. Mỗi địa phương, dù lớn hay nhỏ, đều là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể của quốc gia. Một vùng đất chỉ thực sự phát triển khi hòa nhịp cùng lợi ích chung. Tư duy tích hợp này đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải có cái nhìn bao quát, công tâm và người dân phải thấu hiểu rằng sự phát triển của quê hương không thể tách rời khỏi sự hùng cường của cả nước.

Đoàn kết trong hành động là yếu tố then chốt. Mỗi quyết định sáp nhập, mỗi thay đổi trong bộ máy đều có thể chạm đến lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức. Nhưng chính trong những thời khắc ấy, tinh thần hy sinh vì đại cục cần được đề cao. Một cán bộ sẵn sàng gác lại lợi ích riêng để đảm bảo sự vận hành trơn tru của hệ thống, một cộng đồng sẵn sàng chấp nhận thay đổi vì lợi ích lâu dài - đó là những viên gạch xây nên nền móng vững chắc cho cải cách. Hành động đồng lòng, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, sẽ tạo nên một hệ thống chính trị minh bạch, mạnh mẽ và gần gũi với dân.

Đoàn kết trong lòng dân là cội nguồn sức mạnh. Một chính quyền tinh gọn chỉ thực sự hiệu quả khi nó được xây dựng trên niềm tin của nhân dân. Từ vùng cao xa xôi đến đô thị sầm uất, mỗi người dân cần cảm nhận được sự hiện diện của Nhà nước qua những chính sách công bằng, những hành động thiết thực. Khi nhân dân tin tưởng, họ không chỉ là người thụ hưởng mà còn trở thành lực lượng đồng sáng tạo, cùng chính quyền kiến thiết tương lai. Niềm tin ấy được hun đúc từ sự minh bạch, từ những quyết sách vì dân và từ sự lắng nghe chân thành.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ là một nhiệm vụ hành chính, mà là một bước ngoặt lịch sử. Đoàn kết sẽ thổi hồn vào từng chính sách, từng quyết định, biến thách thức thành cơ hội. Với bản lĩnh của một dân tộc kiên cường, với truyền thống “đồng bào” thiêng liêng, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, một chính quyền hai cấp tinh gọn, hiệu quả sẽ là đòn bẩy đưa đất nước tiến lên, thực hiện khát vọng hùng cường.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/don-bay-dua-dat-nuoc-tien-len-post492014.html