Đòn bẩy giúp Việt Nam đuổi kịp Thái Lan trong thu hút du khách quốc tế
Tiếp tục phiên chất vấn chiều 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đưa ra giải pháp giúp Việt Nam có thể đuổi kịp và vượt Thái Lan trong việc thu hút du khách quốc tế trong vòng 5 năm tới.
Theo đánh giá, xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), có 2 yếu tố tác động đến thu hút khách quốc tế là tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên. Nước ta được xếp hạng là 3,96 điểm, xếp hạng thứ 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và thua sau Thái Lan.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nêu năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 18 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu khoảng 20 tỷ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu là 40 triệu du khách quốc tế và nguồn thu của họ là 98 tỷ USD, chiếm khoảng 12 % GDP.
Dẫn đánh giá xếp loại của WEF, các yếu tố văn hóa, tự nhiên của Việt Nam đều cao hơn so với Thái Lan, đại biểu Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì sao Việt Nam lại đi sau Thái Lan trong thu hút du khách quốc tế.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ liên quan đến kết quả đánh giá xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới được công bố năm 2024, đây là đánh giá có giá trị để nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh. Đây cũng là một khuyến nghị.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc thu thập các số liệu đó vào năm 2022, Việt Nam mới thoát khỏi đại dịch nên mức độ phát triển chưa như bây giờ và có những số liệu tại thời điểm đó nên nếu ở hiện nay sẽ có đánh giá lại.
Chính vì thế, để nâng cao các thứ hạng này, Bộ trưởng đề xuất giải pháp cần giữ cho được các thứ hạng đã được xếp cao như sức cạnh tranh về giá, an toàn an ninh, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là những điểm nổi trội.
Riêng các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, y tế, vệ sinh, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội đến du lịch… thì Bộ đã đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo việc tập trung cải thiện. Như vệ sinh, y tế là do ngành y tế, địa phương hay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lớn liên quan đến sức khỏe nhân dân chứ không chỉ liên quan du lịch nhưng trong chừng mực nào đó chưa được quan tâm.
Do đó để làm được việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị chính quyền địa phương cũng cần tập trung, bởi vấn đề này không phải chỉ cho du lịch mà đời sống, sức khỏe của nhân dân…
Về hạ tầng du lịch, ông cho biết Bộ không được thẩm quyền quy định đầu tư, không được phép đầu tư mà do địa phương lập dự án, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nên mong muốn làm để cải thiện chỉ tiêu. Khi đó xếp hạng sẽ tăng lên, khách sẽ đến.
Về visa, Thái Lan dùng chính sách này để mở cửa và vừa qua Quốc hội cũng đã làm… “Sắp tới, chúng ta sẽ làm trước và về độ mở sẽ xem xét cụ thể chứ không phải vì khuyến nghị mà làm cái này cái khác. Cách làm cần thận trọng, chắc chắn và hiệu quả”, Bộ trưởng Hùng nói.
Về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đánh giá nguồn nhân lực du lịch hiện nay tại Việt Nam vừa thiếu vừa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Bộ trưởng cho biết cần những giải pháp gì để nhanh chóng bổ sung và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu. Trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70%, 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% là làm tại các đơn vị khác.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề, nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận thấy, thời gian qua, một số công ty lữ hành, một số điểm đến, do thiếu nguồn nhân lực nên đã sử dụng một số hướng dẫn viên không đạt chuẩn, dẫn đến sai kiến thức về văn hóa, về lịch sử.
“Sau khi phát hiện, Bộ đã cho thanh tra, kiểm tra, yêu cầu trách nhiệm chính của địa phương chấm dứt ngay tình trạng này, tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên hiện nay mới ở mức độ chấn chỉnh, nhắc nhở, còn nếu cố tình vi phạm thì Bộ sẽ chuyển cho cơ quan điều tra”, Bộ trưởng nêu rõ.
Việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch không chỉ giúp thu hút khách quốc tế mà còn góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời thúc đẩy quá trình giúp Việt Nam đuổi kịp Thái Lan trong thu hút du khách quốc tế trong 5 năm tới.