ĐÒN BẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành Quyết định số 1805 triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12-5-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Bộ VHTTDL đặt mục tiêu trong 5 năm sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền. Đây là tín hiệu vui đối với những cá nhân, tổ chức kinh doanh văn hóa dấn thân trong lĩnh vực kinh doanh mới mẻ, nhiều thử thách này.
Lâu nay, lĩnh vực văn hóa ít thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội, chưa có những kịch bản phát triển cụ thể nên công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, chưa có bước nhảy vọt. Điều này bắt nguồn từ quan điểm truyền thống xưa cũ nên không ít cấp ủy, chính quyền và một bộ phận người dân vẫn xem văn hóa là để “di dưỡng tinh thần”, tiêu tiền nhiều khi thiếu thiết thực chứ chưa phải là một ngành kinh doanh có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Bản thân sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt, có độ rủi ro nhất định, khiến các nhà đầu tư cũng ngần ngại rót vốn. Và không thể không nhắc đến một số quy định hiện nay đang gây khó, cản trở các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phát triển bền vững.
Nhìn từ kinh nghiệm thành công của các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong xây dựng nền công nghiệp văn hóa, vai trò của tư nhân mang tính quyết định. Song công nghiệp văn hóa có phát triển nhanh, đi vào chiều sâu hay không cũng phải phụ thuộc vào vai trò kiến tạo chính sách của Nhà nước. Không chỉ đưa ra chiến lược lâu dài với mục tiêu cụ thể, mà trong từng vấn đề thực tiễn còn bất cập, các cơ quan chức năng luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, điện ảnh Hàn Quốc nếu không gỡ bỏ nhiều quy định liên quan đến thuế, phí; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá văn hóa cùng với du lịch và hình ảnh đất nước… thì khó làm nên kỳ tích phim ảnh nước này tràn ngập các kênh truyền hình, rạp phim toàn cầu và được xướng tên tại sân khấu giải Oscar danh giá.
Phải chờ một thời gian nữa mới rõ Bộ VHTTDL sẽ cắt giảm, đơn giản hóa những quy định nào. Với sự phát triển không đồng đều của 12 ngành công nghiệp văn hóa, rất khó có thể tạo “đòn bẩy” chính sách cho tất cả các ngành cùng phát triển. Cho nên, việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định không nên theo kiểu cào bằng mà cần chọn lọc, hướng trọng tâm vào những ngành có lợi thế phát triển, bước đầu đã có nền tảng như du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến mức tăng trưởng các ngành trên chậm lại, các đơn vị kinh doanh hiện nay cần một loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có chính sách để vực dậy sau những khó khăn suốt 6 tháng đầu năm.
Đặc thù của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam thường tập trung ở đô thị lớn, cho nên các doanh nghiệp văn hóa cũng cần sự quan tâm thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước mắt, tùy theo tình hình địa phương, cần ban hành chiến lược cụ thể, hướng đến các thế mạnh sẵn có; đặc biệt trong xây dựng chiến lược cần tham khảo ý kiến các nhà khoa học và lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, nếu không sẽ dễ sa vào “căn bệnh” làm chính sách "trên trời".
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới nhằm “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”. Bên cạnh câu chuyện kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, công nghiệp văn hóa phát triển mới góp phần tạo ra sức mạnh nội sinh cho văn hóa dân tộc, đủ sức chống lại văn hóa ngoại xâm, tạo ra nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/don-bay-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-626044