'Đòn bẩy' tái cơ cấu nông nghiệp ở Quang Bình

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước và các chính sách ưu đãi về vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh; người dân huyện Quang Bình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Gia trại nuôi gà lai chọi của gia đình anh Hoàng Văn Hành, thôn Trung, xã Bằng Lang.

Gia trại nuôi gà lai chọi của gia đình anh Hoàng Văn Hành, thôn Trung, xã Bằng Lang.

Đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Hành, một trong những hộ làm kinh tế giỏi tại thôn Trung, xã Bằng Lang, được biết: Thông qua cấp ủy, chính quyền xã, vợ chồng anh biết đến chủ trương vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh. Tháng 5.2018, anh vay 150 triệu đồng mở rộng chuồng trại nuôi gà thương phẩm. Có vốn trong tay, anh xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố với diện tích gần 500 m2. Hiện, gia đình anh nuôi 3 lứa gà lai chọi/năm, mỗi lứa trên 3.000 con. Nguồn tiêu thụ gà thương phẩm chủ yếu xuất cho thương lái các tỉnh Yên Bái, Lai Châu với giá bán trung bình 60.000 đồng/kg. Năm qua, gia đình anh Hành thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Gia đình ông Ngô Thành Đồng, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang được giải ngân 60 triệu đồng vốn vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh cuối năm 2016. Ông Đồng cho hay, trước đây, gia đình thường nuôi 2 – 3 con trâu vỗ béo. Được sự động viên, hỗ trợ của xã, ông vay vốn, sửa chữa chuồng trại, mở rộng mô hình nuôi trâu vỗ béo, sinh sản và nuôi ngựa thịt; trồng hơn 2 ha cỏ voi, chuối làm thức ăn cho đàn trâu 10 con và gần 10 con ngựa. Mỗi năm, ông Đồng bán từ 4 – 5 con trâu với giá 30 – 35 triệu đồng/con; ngựa thịt xuất bán từ 2 – 3 con, giá khoảng 260.000 đồng/kg, ngựa bạch có giá khoảng 70 triệu đồng/con. Ngoài ra, vợ chồng ông còn nuôi lợn đen, gà… thu nhập của gia đình đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Quang Bình, Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Xác định việc thực hiện Nghị quyết 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh là “đòn bẩy” thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn, mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Đến thời điểm này, toàn huyện có 1.380 hộ đăng ký vay, tổng nhu cầu vốn 131,9 tỷ đồng. Trong đó, 125 hộ vay thâm canh chè, nhu cầu vốn 4,45 tỷ đồng; 352 hộ vay thâm canh cam, nhu cầu vốn 37,5 tỷ đồng; 787 hộ vay mua trâu, bò, nhu cầu vốn 69,2 tỷ đồng… Hiện, đã giải ngân được 808 hộ với tổng nguồn vốn đã giải ngân 86,35 tỷ đồng.

Bài, ảnh: YẾN VŨ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201912/don-bay-tai-co-cau-nong-nghiep-o-quang-binh-753054/