Đòn cấm bay của Nga - phương Tây khiến thế giới chao đảo
Các lệnh cấm bay áp dụng với máy bay Nga và biện pháp trả đũa của Moscow trở thành vấn đề đau đầu với nhiều hãng hàng không, khi những tuyến đường bay toàn cầu bị đình trệ.
Nga từ lâu đã là một phần không thể thiếu của ngành hàng không toàn cầu. Hàng trăm chuyến bay đi qua khu vực này mỗi ngày để kết nối châu Âu và Mỹ với châu Á.
PJSC Aeroflot - hãng hàng không quốc gia Nga, một trong những hãng bay lâu đời nhất trên thế giới - đã phục vụ khoảng 50 quốc gia với những chiếc máy bay hiện đại của Airbus và Boeing. Quyền được phép bay của khoảng 300.000 máy bay phản lực vào không phận Nga mỗi năm mang lại hàng trăm triệu USD cho chính phủ.
Tuy nhiên, "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga vào Ukraine đã phá vỡ liên kết hàng thập niên trong lĩnh vực hàng không thương mại.
Vương quốc Anh cấm Aeroflot và các phương tiện chở hàng hóa của Nga xâm nhập vào không phận cuối tháng trước, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh tay.
Nga lập tức trả đũa, cấm gần như mọi quốc gia ở châu Âu - bao gồm cả nước từng trung lập là Thụy Sĩ - vào không phận. Mỹ nhanh chóng tiếp bước, đóng cửa không phận của mình với Nga.
Động thái này đã tạo ra lỗ hổng khổng lồ trên bản đồ hàng không toàn cầu, theo Bloomberg. Qua Nga là con đường nhanh nhất giữa châu Âu và Bắc Á. Đi vòng quanh đất nước rộng lớn này là điều cực kỳ khó khăn.
Finnair - hãng có các chuyến bay dài tới Seoul, Thượng Hải và Tokyo dựa vào quyền tiếp cận không phận Siberia - cho biết nhiều chuyến bay hiện không còn tạo ra ý nghĩa về mặt kinh tế.
"Đường cao tốc" trên không
Trả đũa qua lại giữa hai bên gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi không phận Liên Xô đóng cửa với các hãng hàng không phương Tây, buộc họ phải dừng lại tại các điểm tiếp nhiên liệu như Anchorage ở Alaska hoặc đi tuyến London - Ấn Độ - Hong Kong.
“Người Nga đã sử dụng công cụ (trả đũa) cực kỳ mạnh mẽ khi đóng cửa không phận của họ”, Elisabeth Braw, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ chuyên về các vấn đề an ninh, cho biết. “Đó được coi là ‘đường cao tốc' của hàng không quốc tế”.
Mặc dù các máy bay hiện đại có thể bay xa hơn nhiều, như Singapore Airlines giữ kỷ lục với chuyến bay thẳng từ New York đến Singapore trong gần 19 giờ, các chuyến bay bị định tuyến lại tốn nhiều thời gian, gia tăng ô nhiễm và có thể trở thành gánh nặng tài chính cho ngành công nghiệp vốn đã chao đảo vì đại dịch.
Ngoài ra, các hãng cũng phải tránh khu vực không phận của Ukraine, làm tăng thêm thời gian bay cho hành lang kết nối những trung tâm như London, Amsterdam và Frankfurt với các sân bay ở Vịnh Ba Tư. Khoảng cách và thời gian bay giữa các thành phố ở châu Âu và châu Á đã kéo dài.
Trong khi các hãng hàng không đã ngừng bay nhiều tuyến đường chở khách kể từ khi Nga phong tỏa không phận, công ty vận hành các chuyến bay chở hàng chứng kiến vấn đề đau đầu hơn nhiều.
Theo nhà tư vấn hậu cần Brian Clancy, khi các tuyến đường xuyên Siberia bị cấm, hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không đến châu Âu từ các nhà máy ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản theo các tuyến đường vòng làm giá cước vận tải tiếp tục tăng vọt.
Theo trang web FlightRadar24, chuyến bay thường xuyên của Lufthansa Cargo từ Frankfurt đến Tokyo dài hơn 2.000 km so với trước khi có hạn chế, tăng thời gian bay hơn hai giờ và đốt thêm khoảng 18 tấn nhiên liệu máy bay.
Không chỉ hàng không thương mại đang chứng kiến khó khăn. Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào những người Nga giàu có quen với việc di chuyển trên bầu trời bằng máy bay phản lực Dassault, Gulfstream và Bombardier.
Giờ đây, một số người thuộc giới siêu giàu, những người chịu các hạn chế của EU, cũng có những động thái mới. Chiếc máy bay Airbus A340 của ông trùm Metals đã cất cánh rời Munich vào ngày 28/2, ra khỏi không phận EU.
Phủ bóng đen lên tương lai du lịch toàn cầu
Trong kế hoạch dự phòng kinh tế, hầu hết hãng hàng không châu Âu vẫn có thể dựa vào các tuyến đường xuyên Đại Tây Dương để mang lại phần lớn lợi nhuận cho các chuyến bay đường dài. Nhưng lệnh cấm tồn tại càng lâu thì nó càng tạo cơ hội cho các hãng hàng không châu Á - những quốc gia không gặp hạn chế nào - lấp vào một số tuyến bay.
Các lệnh trừng phạt của EU được công bố vào ngày 27/2 cấm cung cấp cho Nga "tất cả hàng hóa và công nghệ" có liên quan đến máy bay.
Điều đó thúc đẩy các công ty cho thuê máy bay ngừng kinh doanh với các hãng hàng không Nga và sự trở lại của hàng trăm máy bay phản lực - biện pháp có thể không khả thi trong môi trường bay hiện nay. Sáu công ty nước ngoài cho thuê máy bay lớn nhất có khoảng 300 phi cơ ở Nga, theo công ty tư vấn hàng không Ishka có trụ sở tại London.
"Đây quả là khoảnh khắc quá buồn", John Strickland - người đứng đầu Hiệp hội Tư vấn JLS có trụ sở tại London - nói. “Hàng không là động lực lớn nhất trong việc trao đổi văn hóa giữa các quốc gia. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, người Nga muốn đi du lịch xa. Một số hãng hàng không đã biến điều này thành cơ hội kinh doanh của họ”.
Hiện tại, bầu trời bị chia cắt phía trên nước Nga phủ bóng đen lên tương lai của du lịch tự do toàn cầu.