Dồn dập các con sóng dữ, doanh nghiệp kiệt sức

Khó khăn dồn dập và kéo dài khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SME) quá sức chịu đựng đã phải rút lui khỏi thị trường. Nhiều đơn vị còn duy trì hoạt động cũng đang dần kiệt sức, đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp dự báo tình hình thị trường vẫn còn tiếp tục khó khăn và nếu các chính sách hỗ trợ không kịp thời, lãi suất tín dụng vẫn neo trên cao thì khả năng doanh nghiệp SME sẽ rời thị trường nhiều hơn nữa.

Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa quá sức chịu đựng trước những khó khăn kinh tế. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa quá sức chịu đựng trước những khó khăn kinh tế. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Rời thị trường vì quá ngưỡng sức chống cự

Ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuyền buồm bằng gỗ xuất khẩu, cho biết tình hình thị trường khó khăn kéo dài khiến đơn hàng của công ty liên tục sụt giảm trong thời gian qua.

Trao đổi với KTSG Online, ông cho biết thời gian trước đại dịch Covid-19, doanh số của công ty đạt khoảng 1,2 triệu đô la Mỹ/năm. Sau đại dịch, chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, lạm phát các nước Mỹ và EU… tăng cao và kéo dài thì đơn hàng tiếp tục sụt giảm đến 70% dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp rất khó khăn.

Trong các thị trường chủ lực của công ty là Mỹ và châu Âu, thị trường Mỹ có sự sụt giảm rất mạnh lên tới 80%. Theo ông Hữu, trước đây Gia Nhiên bán cho các đối tác là những tập đoàn lớn, nhưng sau khi đứt nguồn cung ứng này do thị trường khó khăn thì chỉ còn lại các đơn hàng bán lẻ quy mô rất nhỏ. Với thị trường châu Âu, tình hình thị trường cũng giảm nhiều.

“Tình hình khó khăn buộc công ty phải cắt giảm bớt nhiều nhân công, hiện Gia Nhiên chỉ còn giữ lại khoảng 30% lực lượng để duy trì sản xuất”, ông Hữu chia sẻ, và cho biết gần 3 năm nay hầu như không có khách mua hàng mới, khó khăn kéo dài, doanh nghiệp bị suy yếu tài chính ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, trong khi các gói hỗ trợ của nhà nước hầu như Gia Nhiên không tiếp cận được.

Ở lĩnh vực dệt may, một doanh nghiệp may mặc tại TPHCM chuyên gia công xuất đi thị trường Mỹ và châu Âu (không cho nêu tên), cũng cho biết đơn hàng bắt đầu sụt giảm từ tháng 6 năm ngoái. Đến cuối năm thì đơn hàng sản xuất giảm về còn 30%. Bước sang năm 2023, doanh nghiệp gần như không có đơn hàng mới nào, chỉ làm những đơn hàng nhỏ lẻ ở phân khúc khác, thế là 80% lực lượng công nhân vì không có việc cũng đành phải rời công ty.

“Đang vào mùa sản xuất cho thị trường mua sắm lễ hội cuối năm và đón chào năm mới nhưng đến nay chúng tôi cũng không nhận được tín hiệu mới nào về phía đối tác đặt hàng. Do đó, có khả năng cao là công ty sẽ tạm ngưng hoạt động vào 1-2 tháng tới, chờ tín hiệu kinh tế phục hồi để quay trở lại thị trường”, chủ doanh nghiệp may mặc này chia sẻ, và cho biết hơn 1 năm qua đã gồng mình để tồn tại, giờ thì không còn đủ sức để tiếp tục duy trì hoạt động nữa.

Không chỉ hai doanh nghiệp nói trên, hàng chục ngàn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa khác đang trong ngưỡng quá sức chống chọi trước bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát kéo dài sau trận càn quét của dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ đang trải qua thời gian khó khăn về nhu cầu. Ảnh minh họa: TL

Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ đang trải qua thời gian khó khăn về nhu cầu. Ảnh minh họa: TL

Khó khăn đến với ngành đồ gỗ, dệt may, da giày,… bắt đầu từ quí 3-2022 và kéo dài tới nay. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao, dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong tốp các mặt hàng được tiết giảm.

Báo cáo gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hồi đầu tháng 8 vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là quy mô vừa và nhỏ đã tới hạn (quá sức chịu đựng) trước những khó khăn kinh tế.

Theo số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 113.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra bình quân mỗi tháng có 16.200 doanh nghiệp đóng cửa, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 59%).

Đáng chú ý, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải rời thị trường lúc này tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ dưới 10 tỉ đồng, chiếm 85-90%.

Doanh nghiệp lớn cũng liêu xiêu

Trên thực tế, trước hai con sóng “siêu bão” của thị trường kéo dài trong 3 năm qua, không chỉ doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa đuối sức mà ngay cả những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính cũng liêu xiêu, khó trụ vững, phải xoay xở nhiều cách để tồn tại.

Nêu ra hàng loạt khó khăn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) gần đây, theo chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, chưa bao giờ doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng 500-700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ cũng phải làm, vì nếu không làm thì không có đơn hàng.

Bản thân doanh nghiệp phải nhận cả các mặt hàng không đúng truyền thống, sở trường, ví như doanh nghiệp dệt kim phải nhận hàng dệt thoi hay doanh nghiệp chuyên làm quần âu cũng phải nhận đơn may áo sơ mi.

Ngoài ra, gần đây xuất hiện tình trạng đối tác chậm nhận hàng, gây khó khăn về dòng tiền, kho bãi lưu trữ hàng của doanh nghiệp. Ông Hiếu còn cho biết thêm, không chỉ đơn hàng giảm mà đơn giá cũng giảm rất mạnh, nhiều đơn hàng gia công có giá giảm tới 50%.

Các doanh nghiệp quy mô lớn cũng gặp khó khăn, nhất là lãi suất tăng cao trong thời gian qua khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn. Ảnh minh họa: website doanh nghiệp Hòa Phát

Các doanh nghiệp quy mô lớn cũng gặp khó khăn, nhất là lãi suất tăng cao trong thời gian qua khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn. Ảnh minh họa: website doanh nghiệp Hòa Phát

Dẫn câu chuyện trên cho thấy tình hình thực tế các doanh nghiệp quy mô lớn và mạnh về tài chính cũng gặp khó khăn trước các con sóng dữ của lạm phát và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng khắp nơi.

Các khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) được công bố gần đây cũng cho thấy trong nửa đầu năm nay, 51% số doanh nghiệp có doanh thu giảm, 62% doanh nghiệp có lợi nhuận giảm trong khi sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%.

“Điều này cho thấy tình hình là hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận lợi, khả năng phát triển trong các quí tiếp theo là khá khó khăn, thậm chí có tới 30% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quí tiếp theo sẽ còn tiếp tục giảm”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, nêu tại hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm diễn ra gần đây, và ông cho rằng khả năng số lượng doanh nghiệp tiếp tục rút lui khỏi thị trường sẽ còn gia tăng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách.

Theo đánh giá của đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp ở các địa phương và Hiệp hội ngành nghề khác, chưa bao giờ các doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay. Những “cơn sóng khó khăn” dồn dập đến đã khiến các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc.

Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án “án binh bất động”, không hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tình hình hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn dịch Covid-19. Thiếu đơn hàng, giá giảm mạnh là những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, đồng vốn kinh doanh hạn hẹp, việc tiếp cận nguồn vốn tài chính với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa luôn là thách thức, nhưng vốn vay thời gian qua cũng cao chót vót khiến nhiều doanh nghiệp cũng không dám tiếp cận.

Không những doanh nghiệp SMEs mà ngay những doanh nghiệp lớn cũng “khóc ròng” với gánh nặng tài chính, lãi suất vay cao 12-15% đã bào mòn và “ăn hết” lợi nhuận làm ra.

Đơn cử với ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát báo cáo 6 tháng đầu năm, trả lãi vay hơn 2.108 tỉ đồng, tăng hơn 700 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lãi vay cao đã đẩy lợi nhuận sau thuế của tập đoàn thép này giảm 85% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.831 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn là Tập đoàn Dabaco Việt Nam, công bố nửa đầu năm đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 5.787 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 6 tỉ đồng, giảm mạnh 74%.

Trong đó, phần chi phí lãi vay lên cao hơn 138 tỉ đồng, tăng gần 44 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc nợ gốc tăng so với cùng kỳ năm trước thì chủ yếu do lãi suất tăng cao.

Ngay cả ngành nông nghiệp được xem là lĩnh vực được ưu tiên tiếp cận vốn vay nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời báo cáo nửa đầu năm nay phải trả lãi vay gần 274 tỉ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều khoản vay ngắn hạn của Lộc Trời có lãi suất lên đến 11 – 11,5%/năm.

Cần kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp

Các báo cáo từ các tổ chức, công ty nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều lĩnh vực đang có dấu hiệu đơn hàng quay trở lại. Dù chưa nhiều nhưng điều này có thể sẽ giúp doanh nghiệp ngăn lại việc cắt giảm lao động do thiếu việc làm kéo dài.

Dù vậy, các doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường vẫn còn giảm sâu và dự báo đến giữa hoặc cuối năm 2024 mới có thể hy phục hồi trở lại.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế – xã hội tháng 7 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số đã cải thiện hơn. Tuy nhiên, do bối cảnh khó khăn chung của thế giới và khu vực, tình hình khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

Kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài bởi các khó khăn, thách thức trong những tháng đầu năm. Khó khăn tuy đã giảm bớt, nhưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Trên thực tế, Nhà nước đã ban hành rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp đó một cách hiệu quả. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh chóng, thuận tiện, đúng và trúng đối tượng.

Trao đổi với KTSG Online gần đây, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng để ngăn chặn lượng doanh nghiệp rời thị trường và hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế,… yêu cầu rất cấp bách là chính sách cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Tiếp cận nguồn vốn vay luôn là thách thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cũng mong muốn chính sách lãi suất vay cần tiếp tục giảm để họ có thể tiếp cận cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Tiếp cận nguồn vốn vay luôn là thách thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cũng mong muốn chính sách lãi suất vay cần tiếp tục giảm để họ có thể tiếp cận cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Các gói cứu trợ của Nhà nước cần đốc thúc chính quyền các cấp triển khai cấp ngay cho doanh nghiệp lẫn người lao động được thụ hưởng. “Những gói hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp và người lao động cần thực chất và thực thi kịp thời hơn”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói, và ông thuật lại phản ánh của doanh nghiệp rằng: “Thời gian qua nghe nhiều gói hỗ trợ, nhưng họ không nhận được hỗ trợ gì và chỉ thấy trợ cấp trên tivi”.

Bên cạnh phản ánh của doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn, theo ông Doanh, trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay thì doanh nghiệp rất cần tiếp tục hạ lãi suất nữa vì lãi suất hiện nay vẫn còn cao so với năng lực hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc tiếp tục giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng (VAT) trong bối cảnh hiện nay là điều cực kỳ cần thiết khi sức mua của người dân giảm sút. Thuế VAT giảm sẽ giúp kích cầu mua sắm, giải phóng hàng tồn kho của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với chính sách giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ khi được triển khai sẽ là tin vui cho những doanh nghiệp đang có các khoản vay nhưng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ không bị chuyển nhóm nợ. Bởi khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà cả các ngân hàng cũng gặp khó vì khi doanh nghiệp đã vướng nợ xấu ở một ngân hàng, tất cả dư nợ ở các ngân hàng khác của doanh nghiệp này cũng bị chuyển nhóm nợ theo.

Các ngân hàng phải trích lập dự phòng, trong khi đó, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn do không còn cơ hội vay vốn, quay trở lại kinh doanh khi tình hình tốt lên. Gia hạn nợ là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp có nguồn tiền để chi trả lương cho người lao động, cầm cự trong giai đoạn khó khăn và chờ kinh tế phục hồi.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một số chính sách quy định khi ban hành thì phù hợp, nhưng quá trình thực thi lại làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây khó cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề về cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả thực chất khi một số cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Điều này khiến hoạt động công vụ bị trì trệ, tiến độ nhiều công trình, dự án bị kéo dài thời gian, gây thất thoát, lãng phí, mất cơ hội đầu tư, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn.

Để trợ lực trúng và đúng cho doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên hướng vào những nhóm doanh nghiệp cụ thể, không dàn trải. Bởi lẽ bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn do khách quan, có phương án kinh doanh tốt, có một bộ phận doanh nghiệp chậm đổi mới, đứng ngoài quá trình hồi phục kinh tế.

Lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề cho rằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước khá nhiều với cả giải pháp trực tiếp và gián tiếp. Điểm yếu vẫn là quá trình thực thi, trách nhiệm giải trình. Do đó, doanh nghiệp rất cần có cơ quan giám sát những kết quả đạt được, việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan thực hiện.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/don-dap-cac-con-song-du-doanh-nghiep-kiet-suc/