Dồn dập đón tin vui, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu kỷ lục

Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục bứt phá lập mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh Vingroup dồn dập đón tin vui.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ 300 trên thế giới

Theo cập nhật của tạp chí Forbes ngày 19/5, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), kiêm CEO VinFast (VFS) đã tăng gần 5% so với phiên trước, lên mức 9,7 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, nếu không tính giai đoạn ngắn khi cổ phiếu VinFast vừa niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ).

Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh trong bối cảnh cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng trần thêm 5.600 đồng lên 85.600 đồng/cp, nâng vốn hóa của tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam lên mức hơn 327.000 tỷ đồng (tương đương 12,5 tỷ USD).

Cổ phiếu Vingroup liên tục tăng mạnh trong 3 tháng qua, với mức tăng hơn 110%.

Với khối tài sản hiện tại, tính đến 19/5, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ 300 trong bảng xếp hạng người giàu toàn cầu, vượt Chủ tịch Tập đoàn Samsung Jay Y. Lee (8,8 tỷ USD, xếp hạng 358) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (5,5 tỷ USD, xếp thứ 671).

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: DK

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: DK

Theo cập nhật của Forbes, Việt Nam hiện có 4 tỷ phú USD. Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Vietjet có khối tài sản 2,5 tỷ USD (xếp thứ 1.474 trên thế giới), Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long 2,2 tỷ USD (xếp 1.701), và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,9 tỷ USD (xếp 1.890).

Riêng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ khối tài sản bằng tổng tài sản của 8 doanh nhân còn lại trong nhóm giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam

Đà tăng giá cổ phiếu Vingroup (VIC) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này dồn dập đón thông tin tích cực.

Cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl lên sàn HoSE hôm 13/5 với 3 phiên tăng trần liên tiếp (trong đó phiên chào sàn đầu tiên tăng 20%) và hiện ở vùng 100.000 đồng/cp, vốn hóa đạt hơn 176,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 6,8 tỷ USD), vượt qua các ông lớn như FPT, Tập đoàn Hòa Phát, VPBank, MBBank, ACB... Vốn hóa Vinpearl lọt top 7 trên sàn HoSE.

Tập đoàn Vingroup sở hữu hơn 85,5% vốn điều lệ thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng này. Với sự xuất hiện của Vinpearl, hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 4 đại diện nằm trong top doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam, bên cạnh Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail. Nếu tính cả VinFast (VFS), tổng vốn hóa các doanh nghiệp “họ Vin” đạt trên 1 triệu tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2024, Vinpearl sở hữu và/hoặc vận hành tổng cộng 31 khách sạn/khu nghỉ dưỡng với hàng chục nghìn phòng. Bên cạnh đó, VPL có 12 công viên và khu giải trí, 4 sân golf...

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ 300 trên thế giới. Nguồn: FB

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ 300 trên thế giới. Nguồn: FB

Dồn dập đón tin tốt

Sáng 19/5, Hà Nội đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Siêu dự án có quy mô vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng do Vingroup thực hiện, dự kiến hoàn thành trong 24 tháng.

Cầu Tứ Liên kết nối giữa các khu vực của Hà Nội, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua các sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình. Cây cầu vượt sông Hồng này nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh - nơi có dự án Vin Cổ Loa (do CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - một công ty con do Vingroup nắm 80% cổ phần - làm chủ đầu tư).

Tuần trước, ngày 14/5, CTCP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed (công ty con của Vingroup) cho biết đã đăng ký tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá hơn 60 tỷ USD.

Doanh nghiệp kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12/2025 và khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030. VinSpeed thu xếp 20% vốn, phần còn lại đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Để hoàn trả phần vốn vay từ Nhà nước, VinSpeed dự kiến phối hợp cùng Vingroup và Vinhomes phát triển các khu đô thị hiện đại quanh nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

Ngày 15/5, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt liên danh - trong đó có Tập đoàn Vingroup - đầu tư khu đô thị quy mô hơn 41.000 tỷ đồng ở tỉnh này.

Biến động tài sản của các tỷ phú Việt. Biểu đồ: MH

Biến động tài sản của các tỷ phú Việt. Biểu đồ: MH

VinFast gần đây cũng đón nhiều tin tốt với lượng sản phẩm bán ra tăng vọt. Tháng 4, VinFast bàn giao tổng cộng 9.588 xe ô tô điện các loại, tức khoảng 320 xe/ngày. Trong 4 tháng đầu năm, VinFast bán gần 44.700 xe.

Nhà máy VinFast Hà Tĩnh quy mô đầu tư 6.000 tỷ đồng dự kiến bắt đầu vận hành từ quý III/2025 và sản xuất đại trà từ quý IV.

Trong năm 2025, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 300 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 nghìn tỷ đồng, tăng 90% so với 2024. Trong quý I, VIC ghi nhận doanh thu hơn 84 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 68% lên 2.243 tỷ đồng.

Giới đầu tư gần đây cũng quan tâm nhiều tới các chính sách thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Hôm 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân với nhiều cơ chế đặc biệt dành cho khu vực này. Đó là loạt chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, thuế... được áp dụng với kinh tế tư nhân.

Trong phiên 19/5, thị trường chứng khoán Việt Nam gặp áp lực điều chỉnh khá mạnh. Chỉ số VN-Index đánh mất mốc 1.300 điểm.

Cụ thể, ngoại trừ nhóm Vingroup, đa số các cổ phiếu trụ cột khác giảm giá. Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 5,1 điểm xuống 1.296,29 điểm. Thanh khoản sụt giảm so với phiên trước với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 19.200 tỷ đồng. Khối ngoại quay lại mua ròng hơn 331 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào các mã VIC, MBB, CTG, KBC.

Ngoài Vingroup, cổ phiếu Vinhomes (VHM) cũng trở thành một trong những động lực chính kéo điểm VN-Index với mức tăng hơn 1,38%.

Ở chiều ngược lại, nhiều mã bất động sản và ngân hàng chịu áp lực bán ra và giảm khá mạnh.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/don-dap-don-tin-vui-ty-phu-pham-nhat-vuong-giau-ky-luc-2402716.html