Đạm Cà Mau (DCM): Sản xuất khí công nghiệp, nghiên cứu xuất khẩu nông sản

Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) cho biết đang lên kế hoạch triển khai Dự án sản xuất Khí công nghiệp tại Nhà máy Đạm Cà Mau và nghiên cứu việc tham gia chế biến, xuất khẩu nông sản.

Tham gia sản xuất khí công nghiệp, tăng sản lượng Urea

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa qua đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 16/6 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau đánh giá, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2025 tiếp tục đối mặt nhiều biến động, xung đột địa chính trị kéo dài; trong khi đó, các điều kiện về thời tiết, khí hậu có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, và tình trạng cạnh tranh nguồn khí cho sản xuất điện/đạm.

Các chính sách thuế quan mới sẽ mở ra cả cơ hội và thách thức cho ngành phân bón Việt Nam. Về cơ hội, chính sách này có thể tạo ra sự tái cấu trúc thị trường toàn cầu, khiến các nhà sản xuất lớn (như Trung Quốc, Nga...) chuyển hướng nguồn cung sang các khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á. Điều này sẽ góp phần làm giảm giá nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác mua sắm đầu vào.

Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay ở mức 774 tỷ đồng.

Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay ở mức 774 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mặt trái là áp lực cạnh tranh trong khu vực sẽ gia tăng đáng kể do nguồn hàng dịch chuyển, buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả vận hành để giữ vững thị phần nội địa.

Bên cạnh đó, giá dầu hiện đang có xu hướng giảm. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô Brent trung bình năm 2025 sẽ ở mức 74 USD/thùng, qua đó góp phần giúp Đạm Cà Mau ổn định chi phí nguyên liệu đầu vào và duy trì hiệu quả sản xuất, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận định.

Trong bối cảnh đó, Đạm Cà Mau dự kiến trình cổ đông xem xét và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 13.983 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với năm 2024, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 46%, ở mức 774 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2025 ở mức 10% vốn điều lệ.

Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cũng cho biết công ty đã và đang lên kế hoạch triển khai loạt dự án chiến lược nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới.

Nổi bật, công ty dự kiến sẽ triển khai Dự án sản xuất Khí công nghiệp tại Nhà máy Đạm Cà Mau với tổng mức đầu tư khoảng 288 tỷ đồng. Dự án này đã có quyết định phê duyệt dự án số 3821/QĐ-PVCFC vào ngày 16/12/2024.

Theo ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, dự án sẽ giúp công ty thu hồi Nitrogen, Argon từ nguồn Offgas và tinh chế đạt tiêu chuẩn khí công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tăng tải xưởng Urea và xưởng Ammonia trong tương lai cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường khí công nghiệp trong nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, nâng cao hiệu quả nguồn nguyên liệu theo định hướng chuyển dịch năng lượng của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Đồng thời, Đạm Cà Mau lên kế hoạch triển khai Dự án gia tăng sản lượng NH3 để nâng công suất sản xuất Urea của Nhà máy sản xuất phân Đạm Cà Mau.

Tình hình triển khai một số dự án trọng điểm của Đạm Cà Mau trong năm 2024. (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2024 Đạm Cà Mau)

Tình hình triển khai một số dự án trọng điểm của Đạm Cà Mau trong năm 2024. (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2024 Đạm Cà Mau)

Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cũng cho biết công ty có kế hoạch triển khai Dự án Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh thông qua việc M&A, góp vốn hoặc hợp tác. Hiện công ty đang kinh doanh thử nghiệm sản phẩm hữu cơ vi sinh để đánh giá mức độ hấp thụ của thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển thêm sản phẩm theo hướng hữu cơ, tiến tới đầu tư nhà máy để mở rộng quy mô và chủng loại sản phẩm.

Chi tiết về các phương án và tổng vốn đầu tư của hai dự án trên chưa được Đạm Cà Mau công bố.

Nghiên cứu mảng xuất khẩu nông sản, kỳ vọng doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng/năm

Ngoài ra, Đạm Cà Mau dự kiến nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy chế biến nông sản nhằm tham gia thị trường xuất khẩu nông sản theo định hướng chiến lược của công ty trên cơ sở đảm bảo thế mạnh hiện có, góp phần hỗ trợ tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản, tạo doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Theo báo cáo thường niên năm 2024, Đạm Cà Mau cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá, xây dựng mô hình sản xuất chế biến nông sản khép kín từ đầu vào tạo vùng trồng, bảo quản, chế biến đến vận chuyển tiêu thụ thành mô hình công nghiệp trong nông nghiệp hiện đại.

Công ty sẽ nghiên cứu lựa chọn các mô hình trái cây để thử nghiệm ở quy mô nhỏ và phát triển thành quy mô sản xuất lớn để tham gia sâu vào chế biến nông sản sau thu hoạch. Từ đó, nghiên cứu, đầu tư hình thành vùng trồng, vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp giống, quy trình canh tác đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho chế biến sau thu hoạch.

Đồng thời, Đạm Cà Mau sẽ đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và dịch vụ logistics (hệ thống kho lưu trữ, vận chuyển phân phối) phục vụ chế biến nông sản sau thu hoạch tạo sự liên kết hiệu quả trong công tác sản xuất và phân phối đến khách hàng trong và ngoài nước.

Qua đó, công ty phấn đấu trở thành doanh nghiệp Top 3 Việt Nam xuất khẩu trái cây và dược liệu (gồm quả tươi và sản phẩm chế biến) tính theo doanh thu với quy mô doanh thu kỳ vọng đạt hơn 20.000 tỷ đồng/năm (từ năm 2030).

Cảnh Hưng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm-san-xuat-khi-cong-nghiep--nghien-cuu-xuat-khau-nong-san-140603.htm