Đòn đáp trả và thế giới chao đảo?

Để đáp trả phương Tây ủng hộ Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga, Moscow có thể cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang chống Mỹ, Israel ở Trung Đông.

Các quan chức hiện tại và trước đây của Mỹ rất lo ngại rằng cuộc tấn công của quân đội Israel chống lại phong trào vũ trang người Shiite là Hezbollah ở Lebanon có thể kéo Nga tham dự ngày càng nhiều hơn vào cuộc chiến này, bằng cách này hay cách khác.

Điều này đã được báo cáo trực tuyến Middle East Eye (MEE) ở Trung Đông đưa tin, cung cấp một số chi tiết về những gì đã từng xảy ra trong quá khứ.

Những người đối thoại của MEE đã dẫn dữ liệu tình báo nói về những hậu quả có thể xảy ra xuất phát từ một cuộc tấn công có thể xảy ra của Israel vào Lebanon.

Hậu quả rất xấu nếu Nga trang bị vũ khí cho Houthi

Cựu chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Đông của CIA William Asher cho biết, nếu Israel tấn công Lebanon, có khả năng mối quan hệ quân sự giữa Iran và Nga sẽ càng sâu sắc hơn, để giúp Hezbollah tự vệ, Nga có thể sẽ cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang thân Iran ở khu vực này.

Giới chuyên gia Mỹ cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang xem xét nối lại phương án trang bị tên lửa chống hạm của nước này cho một phong trào vũ trang người Shiite khác là lực lượng Houthi ở Yemen, nếu một khi tình hình ở Trung Đông có chuyển biến xấu đối với Iran.

Nhưng vấn đề chính là việc chuyển giao tên lửa hiện đại của Nga cho Houthi sẽ nhạy cảm hơn so với việc cung cấp hỗ trợ cho Hezbollah, vì Yemen nằm gần hành lang thương mại hàng hải lớn nhất nối giữa châu Á với châu Âu, trong một khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông.

Yemen nằm bên bờ Ấn Độ Dương và Biển Đỏ, án ngữ eo biển Bab-el-Mandeb (Bab el Mandab) và vịnh Aden, huyết mạch ngắn nhất di chuyển từ Ấn Độ Dương sang Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez của Ai Cập, là con đường biển thông thương ngắn nhất nối châu Á với châu Âu.

Nếu huyết mạnh này bị cắt đứt, các tàu thuyền thương mại sẽ phải chuyển hướng xuống nam Ấn Độ Dương, vòng qua châu Phi ra Đại Tây Dương để đến châu Âu. Con đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) sẽ dài thêm khoảng 3.000 - 3.500 hải lý (tương đương 6.000 km), khiến hải trình Á - Âu kéo dài thêm khoảng 10 ngày, gây tốn kém rất nhiều tiền bạc.

Việc Houthi mới chỉ có những tên lửa lạc hậu nhất của Iran cũng đã khiến tuyến hàng hải qua Biển Đỏ bị tê liệt đã cho thấy rằng, nếu phong trào này có những tên lửa tầm xa hơn, hiện đại hơn và độ chính xác cao hơn của Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn như thế nào.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết, Nga đã có ý định cung cấp tên lửa cho Houthi vào năm 2023 nhưng rất may là thái tử Saudi Arabia đã ngăn cản cung cấp tên lửa cho Houthi, nếu không khu vực Trung Đông hiện nay đã phải nhận hậu quả lớn hơn nhiều.

Phương Tây leo thang, Nga sẽ ra quyết định?

Theo giới phân tích, bất kỳ nỗ lực nào của Liên bang Nga nhằm trang bị vũ khí cho một thành viên của “trục kháng chiến” Iran đang chiến đấu chống lại Washington và các đồng minh của họ sẽ là một khoảnh khắc định mệnh.

Một trong những quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã nêu trong cuộc trò chuyện rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liên lạc với Mohammed bin Salman và vị Thái tử Saudi cuối cùng đã đạt được mục đích là đề nghị Moscow không tiếp tục thỏa thuận với Tehran về cung cấp vũ khí cho Houthi.

Cuộc thảo luận về vấn đề được mô tả là diễn ra sau chuyến thăm của chủ sở hữu Điện Kremlin tới Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào tháng 12 năm 2023.

Sau đó, Putin và Mohammed bin Salman đã nhất trí “giảm căng thẳng” trong khu vực và Nga không thực hiện việc trang bị tên lửa chống hạm cho Houthi, phong trào này được cho là đã nhận được tên lửa và công nghệ chế tạo từ Iran để tự mình sản xuất tên lửa hành trình chống hạm tại Yemen.

Theo giới chuyên gia Mỹ, Hoàng gia Saudi Arabia được cho là có mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin nên tiếng nói của họ mới tác động được đến những quyết định của Điện Kremlin.

Trong thời gian qua, Riyadh đã quan hệ mật thiết với Moscow trong lĩnh vực dầu mỏ và các chương trình đầu tư chung, nước này cũng không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, thậm chí còn để ngỏ khả năng gia nhập khối BRICS do Nga lãnh đạo.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Nga đang xem xét khả năng tăng cường hỗ trợ cho “trục kháng chiến” của Iran, vừa giúp đỡ Tehran, vừa giáng đòn vào phương Tây, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine và chấp thuận cho Kiev tấn công vào lãnh thổ truyền thống của Nga.

Các quan chức Nga vừa qua đã tuyên bố, để đối phó với hành động hậu thuẫn cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga, ngoài việc nối lại sản xuất và triển khai tên lửa tầm trung ở “bất cứ địa điểm nào”, Moscow có thể cung cấp vũ khí cho các nhóm chống châu Âu, thậm chí là lập các đội quân ủy nhiệm ở châu Âu.

Liệu có ai biết các quan chức Điện Kremlin đã cam kết những gì với phái đoàn Houthi tại Moscow hồi cuối tháng 1 vừa qua, sau khi liên quân Mỹ-Anh cấp tập tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ Yemen?

Do đó, cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào nhóm Hezbollah ở Lebanon có thể sẽ thúc đẩy Moscow ra quyết định cung cấp vũ khí cho Houthi và Hezbolla để gây ra rắc rối cho Mỹ và đồng minh Israel ở Trung Đông, dẫn đến những hậu quả lớn hơn đối với cả khu vực và thế giới.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/don-dap-tra-va-the-gioi-chao-dao-post689822.html