Đón đầu ngành khan hiếm nhân lực
Ngành dệt may - da giầy là một trong những ngành đóng góp GDP lớn cho nền kinh tế.
Các nhà tuyển dụng ngành này luôn xây dựng nhiều cơ chế săn đón, lựa chọn, bồi dưỡng nguồn nhân lực từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng vẫn khan hiếm.
Kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo
Nhiều nhà tuyển dụng ngành da giầy sẵn sàng hỗ trợ cho sinh viên cũng như nhân sự mới các khóa học ngắn hạn nhằm đáp ứng được đòi hỏi của vị trí việc làm mà họ cần.
Theo ông Appleby Bryan - Giám đốc Công ty PATF Global: “Hiện nay, các doanh nghiệp da giầy đã cải tiến rất nhiều kỹ thuật, ứng dụng dây chuyền công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất vì vậy họ rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để làm việc.
Để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, người học cần phải xác định được bản thân thích lĩnh vực nào trong chuyên ngành mình học. Từ đó, xây dựng định hướng học tập, các mốc phát triển bản thân trong lâu dài. Quá trình học ở trường, cần nắm những kiến thức về công nghệ, quy trình. Vì thế, nên tham gia các khóa học để hỗ trợ và hiểu sâu về cách làm việc trong doanh nghiệp. Khi đó sẽ biết những đòi hỏi cơ bản cần có, kiến thức về thương mại hóa, kinh doanh để hỗ trợ cho bản thân trong quá trình làm việc”.
Hàng năm Công ty PATF Global hỗ trợ các trường đại học đào tạo ngành dệt may, da giầy, tư vấn định hướng cho sinh viên chọn chuyên ngành, chia sẻ xu thế phát triển của ngành da giầy nhằm giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan.
Khoa Dệt may - Da giầy và Thời trang - Trường Vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) hàng năm đều mời các doanh nghiệp đối thoại cùng sinh viên. Thông qua đó, sinh viên được tiếp cận các quy trình, công nghệ sản xuất cũng như hướng đi của doanh nghiệp trong tương lai. Từ đó, sinh viên biết được bản thân thiếu gì và cần bổ sung những gì để đáp ứng được xu thế tuyển dụng của doanh nghiệp.
PGS.TS Bùi Văn Huấn, Phó Trưởng khoa Dệt may - Da giầy và Thời trang, Trường Vật liệu cho biết: “Đối với sinh viên năm nhất, vào kỳ học đầu tiên, chúng tôi có môn học nhập môn nhằm giúp các em hiểu được khái quát về định hướng, chuyên môn sâu trong lĩnh vực dệt may, da giầy và thời trang.
Chúng tôi mời lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia dệt may, da giầy và thời trang về để giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn về ngành; về thực tế các công nghệ đang được triển khai tại doanh nghiệp; về yêu cầu của doanh nghiệp đối với cử nhân, kỹ sư ngành dệt may - da giầy và thời trang…
Đây là cơ sở để các em lựa chọn ngành nghề cho bản thân, xác định mục tiêu học tập và định hướng công việc trong tương lai. Trong quá trình học tập, khoa kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên đi tham quan, tìm hiểu thực tế sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.
Định hướng xuất phát từ nhu cầu
Bất cứ ngành học nào cũng vậy, va chạm với thực tế rất cần thiết, là cơ sở giúp sinh viên hiểu rõ hơn những kiến thức đã được học sẽ được áp dụng như thế nào trong môi trường thực tế và công việc sẽ làm sau khi ra trường.
Theo bà Hồ Thị Nhung, chuyên viên phát triển sản phẩm, Công ty Deckers Brands: “Ngành da giầy là ngành công nghiệp truyền thống của Việt Nam, song nhân lực đang rất khan hiếm, đặc biệt là nhân lực có chuyên môn, được đào tạo bài bản”.
Ngoài thời gian học các kỹ năng thực hành tại trường, việc tham gia các kỳ thực tập tại nhà máy là rất cần thiết, giúp sinh viên có góc nhìn thực tế hơn với ngành nghề lựa chọn, định hướng được nghề nghiệp.
Ngoài ra ngoại ngữ là yếu tố quan trọng giúp người học có thể đi xa hơn, có điều kiện để tiếp xúc với những kiến thức mới thông qua các kênh chia sẻ kiến thức từ nước ngoài cũng như có cơ hội để làm việc tại các doanh nghiệp đa quốc gia.
“Việt Nam là nước sản xuất dệt may - da giầy đứng thứ 3 thế giới. Hiện ngành này có khoảng 8.000 doanh nghiệp với trên 4 triệu lao động. Sản phẩm dệt may - da giầy của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản...”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/don-dau-nganh-khan-hiem-nhan-luc-post665840.html