Đón đầu xu hướng 'giáo dục cá nhân hóa' trong thị trường Edtech Việt Nam
Mặc dù ở Việt Nam, phương pháp 'cá nhân hóa' này không mới trong hoạt động giảng dạy truyền thống nhưng vẫn vắng bóng trong các mô hình Edtech. Đây được xem là cơ hội để những nền tảng giáo dục số chớp lấy thời cơ để dẫn đầu thị trường.
Phát biểu tại Tọa đàm "Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập" diễn ra ngày 31/8, TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, sau đại dịch Covid-19, xu hướng phát triển giáo dục công nghệ (Edtech) của Việt Nam vô cùng sôi động.
Theo báo cáo giáo dục công nghệ, Việt Nam nằm trong Top 10 thị trường giáo dục trực tuyến phát triển nhanh nhất toàn cầu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 44,3% và dự kiến đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023.
TS. Tôn Quang Cường cho biết, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực Edtech tại Việt Nam thời gian gần đây là rất lớn. Tính đến tháng 6/2023, đã có khoảng 70 quỹ đầu tư rót hơn 400 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp lĩnh vực Edtech tại Việt Nam. Với số lượng học sinh phổ thông chiếm tới hơn 20% dân số, các dòng sản phẩm Edtech tập trung vào phân khúc này là lớn nhất.
Phân khúc thứ 2 nổi trội về sản phẩm Edtech là phân khúc đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng, đào tạo cho người đi làm...
"Có thể nói thị trường Edtech Việt Nam đang đi ngược chiều trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực Edtech toàn cầu đã không còn là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư", ông Tôn Quang Cường nói thêm.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra cho tín hiệu ngược dòng của Edtech Việt Nam như lượng dân số sử dụng Internet lớn, người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày càng tăng cao. Trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20% thu nhập đầu tư cho giáo dục con cái, trong khi mức này ở các nước Đông Nam Á là 6-15%, theo Bain & Company.
Trong bức tranh toàn cảnh đó, cá nhân hóa trong học tập là mơ ước của những “anh cả” làng công nghệ giáo dục, nhất là khi AI ngày càng phổ biến. Những cải tiến công nghệ đã mang đến cơ hội học tập theo những cách thức hoàn toàn mới, dễ dàng ứng dụng và cá nhân hóa kiến thức. Tất cả đã làm thay đổi vai trò truyền thống của giáo viên và tạo ra vô vàn trải nghiệm học tập mới mẻ và thú vị.
Tuy nhiên, Edtech là lĩnh vực khởi nghiệp ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Thị trường Edtech tăng trưởng nhanh chóng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh là không hề nhỏ. Muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Edtech phải tìm ra hướng đi sáng tạo để giải quyết nhu cầu của người dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hầu hết các công ty Edtech Việt Nam thiếu các công nghệ đột phá, mặc dù không phải lúc nào cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến. Vì vậy, cần linh hoạt trong việc kết hợp giữa nội dung và công nghệ để giữ chân người học.
TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, ĐH Giáo dục
Do đó, các chuyên gia tham dự tại tọa đàm do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức đều cho rằng, xu hướng cá nhân hóa trong học tập được xem là giải pháp đột phá của thị trường Edtech Việt Nam.
Mô hình cá nhân hóa học tập chú trọng vào khác biệt của mỗi cá nhân, phát hiện ra điều gì là động lực cho các em học tập hay các em cần gì để học tập hiệu quả, tự mình vượt qua những mục tiêu đặt ra.
Cách tiếp cận này coi trọng quá trình học, không phải quá trình dạy, cho phép giáo viên xác định những hạn chế, điểm mạnh, điểm yếu và đánh giá đúng năng lực của học sinh, từ đó khuyến khích học sinh làm chủ và có trách nhiệm hơn trong việc tự hoàn thiện tri thức cho mình.
Thực tế, xu hướng cá nhân hóa trong học tập đang được ứng dụng rộng rãi tại các trường học trên toàn thế giới, giúp giáo viên truyền tải kiến thức một cách hiệu quả dựa trên năng lực của từng học sinh.
Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency, đồng trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam nêu rõ, mặc dù ở Việt Nam, phương pháp này không mới trong hoạt động giảng dạy truyền thống nhưng vẫn vắng bóng trong các mô hình Edtech, đặc biệt là giáo dục phổ thông.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Đào Lan Hương, CEO Học viện công nghệ Teky phân tích, về mặt chuyên môn, các chương trình học phổ thông thường đáp ứng rất tốt các học sinh trung bình-khá, nhưng lại không được phù hợp lắm với 2 nhóm học sinh rất giỏi và dưới trung bình. "Hai nhóm học sinh này cần có những chương trình may đo riêng. Đây chính là địa bàn của xu thế cá nhân hóa và cũng là một đại dương xanh của thị trường để chúng tôi khai thác", bà Hương nói thêm.
Tuy nhiên, cùng với sự nhấn mạnh vào giáo dục hiệu quả và độc lập, các doanh nghiệp Edtech tại Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp hướng tới cá nhân hóa học tập, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như các yếu tố nền tảng để hỗ trợ và thúc đẩy Edtech vẫn chưa thực sự tốt, từ chính sách của nhà nước, cho đến nền tảng công nghệ, năng lực của đội ngũ chuyên gia giáo dục.
Để tận dụng được công nghệ giáo dục, các chuyên gia kiến nghị, giáo viên và nhà quản lý giáo dục cần được đào tạo và hỗ trợ. Về phía các doanh nghiệp cần phải hướng được sản phẩm tới "đúng - trúng - sát" với nhu cầu của các nhà trường và người học.