Dồn điền, đổi thửa: Thuận sản xuất, nâng cao thu nhập
ĐBP - Từ những mảnh ruộng nhỏ lẻ, manh mún, huyện Điện Biên đã chọn 2 xã: Thanh Yên và Thanh Hưng thực hiện thí điểm dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Sau khoảng 4 năm triển khai thực hiện, việc DĐĐT tại 2 xã đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan; qua đó tạo thuận lợi cho việc liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất.
Nhờ thực hiện DĐĐT, người dân xã Thanh Hưng thuận lợi hơn trong việc đưa máy móc, cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.
Trước khi chính quyền địa phương triển khai việc DĐĐT trên địa bàn, gia đình anh Lò Văn Ngọc, bản Bánh, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) có khoảng 5.000m2 ruộng lúa nước nhưng được phân bố thành 13 thửa, trong đó có thửa chỉ với diện tích khoảng 70m2. Chính việc có nhiều mảnh ruộng, mà mỗi mảnh lại nằm ở một xứ đồng khác nhau, khiến gia đình anh phải mất khá nhiều thời gian, công sức chăm sóc, gieo cấy cũng như thu hoạch. Thế nhưng khi xã thực hiện DĐĐT, từ vụ chiêm năm 2020 đến nay, gia đình anh Ngọc chỉ còn lại 3 thửa ruộng lớn nên rất thuận tiện trong canh tác.
Anh Ngọc chia sẻ: “Trước kia gia đình có 13 mảnh ruộng nhỏ, nằm cách xa nhau nên rất khó khăn trong việc đi lại chăm sóc lúa. Nếu chỉ thăm đồng không thôi, tôi cũng phải mất một buổi để đi hết các thửa ruộng của gia đình. Còn việc di chuyển để cày bừa, gieo cấy, thu hoạch cũng mất rất nhiều thời gian. Sau khi DĐĐT, gia đình tôi chỉ còn 3 mảnh ruộng rất thuận tiện cho việc chăm sóc lúa và không phải đi xa, tốn thời gian, công sức di chuyển để chăm bón, cày bừa, gieo cấy, thu hoạch trên từng thửa ruộng nữa. Mặt khác từ khi DĐĐT, diện tích canh tác của gia đình thành mảnh lớn cũng thuận tiện hơn để đưa cơ giới vào sản xuất, như: Sử dụng máy gặt, máy cày bừa… nên việc nhà nông cũng nhàn hơn trước nhiều!”.
Thực hiện theo Kế hoạch số 1437/KH-UBND ngày 6/9/2018 của UBND huyện Điện Biên về thực hiện thí điểm DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã và xã Thanh Hưng, xã Thanh Yên phối hợp với Ban Chỉ đạo của UBND huyện tổ chức họp dân lựa chọn địa điểm thôn, bản thích hợp tham gia DĐĐT. Sau khi họp với các bản, UBND xã Thanh Yên đã thống nhất đề nghị UBND huyện thực hiện thí điểm DĐĐT tại đội 10b, bản Bánh và đội 10a, bản Phú Yên, với diện tích 20,2ha.
Anh Nguyễn Minh Sáng, cán bộ địa chính xã Thanh Yên, cho biết: Thực hiện DĐĐT trên địa bàn xã có 131 hộ dân tham gia, trong đó có 106 hộ trú tại đội 10b bản Bánh và 25 hộ trú tại đội 10a bản Phú Yên. Thời điểm chưa dồn điền, cả bản Bánh và bản Phú Yên có vài trăm thửa ruộng, nhưng đến nay chỉ còn hơn trăm thửa và mỗi gia đình chỉ còn 1 mảnh ruộng, hộ nào nhiều nhất cũng chỉ 3 mảnh, chứ không nhiều thửa ruộng như trước kia. Trong quá trình triển khai, chính quyền xã cũng nhận được nhiều ý kiến của nhân dân, thế nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hầu hết bà con đã đồng thuận và nhất trí cao với chủ trương DĐĐT.
Nhận thấy những hiệu quả, lợi ích rõ rệt cho người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp khi tham gia thực hiện DĐĐT, hiện nay một số thôn, bản trên địa bàn xã Thanh Yên, như: thôn Thanh Hà, thôn Hoàng Yên, thôn Việt Yên, thôn Yên Bình, bản Pa Bói, bản Pa Pháy… cũng đề nghị tiếp tục thực hiện DĐĐT tại thôn, bản mình. Ông Lò Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, cho biết: Địa điểm thực hiện dồn điền thuộc đội 10b bản Bánh và đội 10a bản Phú Yên có độ dốc cao, chênh lệch độ cao giữa các thửa lớn, nhiều thửa đất có diện tích nhỏ (dưới 200m2). Tuy nhiên, sau khi thực hiện DĐĐT đã giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, quy hoạch lại giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện rất thuận lợi cho hộ canh tác, sản xuất, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, giảm nhân công. Vì vậy, nhân dân 2 bản đã thực hiện canh tác ổn định từ vụ chiêm xuân 2019 - 2020 đến nay.
Tương tự như đội 10b bản Bánh và đội 10a bản Phú Yên (xã Thanh Yên), đội 5, thôn Hưng Thịnh, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) cũng giảm đáng kể số thửa ruộng sau khi DĐĐT. Ông Phạm Văn Cường, Trưởng thôn Hưng Thịnh, cho biết: “Để phấn đấu và xây dựng trở thành thôn bản kiểu mẫu, ý thức của bà con đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước; trong đó phải kể đến việc đồng thuận thực hiện DĐĐT. Từ chỗ cả thôn có hơn 500 thửa ruộng thì đến nay còn có khoảng 80 thửa; từ đó đã tạo điều kiện để nhiều gia đình thực hiện các mô hình trồng rau, hoa màu và cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài cánh đồng, bà con đã áp dụng, đưa nhiều máy móc cơ giới vào canh tác; qua đó đã tiết kiệm được rất nhiều công sức trong việc chăm sóc lúa và thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Xã Thanh Hưng đã thực hiện DĐĐT tại xứ đồng của các đội: 1, 5, 6, 19 và các hộ xen kẽ, đã được đơn vị tư vấn, đo đạc thực hiện hoàn thành cuối năm 2018. Chính quyền xã Thanh Hưng thực hiện DĐĐT trên diện tích 412.311m2; 988 thửa (trước khi thực hiện DĐĐT) và sau thực hiện xong diện tích canh tác còn lại 388.492m2; 344 thửa. Như vậy, xã Thanh Hưng đã tiến hành thu gọn được 644 thửa cho 243 hộ dân trên địa bàn; điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình canh tác nông nghiệp trên địa bàn. Ông Lường Văn Tọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: DĐĐT là mô hình mới, chưa có hướng dẫn cụ thể nên quá trình triển khai thí điểm trên địa bàn còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, thông qua tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu, nắm được phương án DĐĐT nên địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, việc DĐĐT thí điểm trên địa bàn xã Thanh Hưng đã hoàn thành ổn định chia ruộng cho từng hộ dân đưa vào sản xuất lúa từ vụ chiêm xuân năm 2018 - 2019; qua đó bà con canh tác lúa được thuận tiện hơn, góp phần giảm được ngày công...
Thực tế, sau khi DĐĐT, bà con đã được tập trung các mảnh ruộng về cùng một chỗ, không còn phải đi qua nhiều mảnh ruộng nhỏ ở các xứ đồng khác nhau để chăm sóc lúa; điều đó đã giúp người dân tiết kiệm được ngày công, thời gian rất nhiều. Mặt khác, trong bối cảnh, lực lượng nhân công tại các địa phương đang thiếu vì nhiều lao động đi làm công nhân ở các tỉnh dưới xuôi, thì việc DĐĐT đã giúp nhà nông áp dụng máy móc, phương tiện cơ giới vào quá trình canh tác, giải quyết vấn đề thiếu lao động nông nghiệp tại địa phương và giảm chi phí thuê nhân công. Từ những tín hiệu tích cực của chủ trương DĐĐT, nhân dân rất phấn khởi, tích cực lao động sản xuất, tăng năng xuất, sản lượng, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống.