Huyện Lạc Thủy: Dồn điền, đổi thửa - tiền đề xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Giai đoạn 2020 - 2023, huyện Lạc Thủy đã tạo đột phá trong thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Từ đây giúp địa phương khắc phục được tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, tiến tới hình thành cánh đồng mẫu lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành phần kinh tế khác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng suất và thu nhập cho người sản xuất.

Giai đoạn 2020 - 2023, huyện Lạc Thủy đã tạo đột phá trong thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Từ đây giúp địa phương khắc phục được tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, tiến tới hình thành cánh đồng mẫu lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành phần kinh tế khác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng suất và thu nhập cho người sản xuất.

Nhiều hộ ở xã An Bình (Lạc Thủy) đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giải phóng sức lao động.

Nhiều hộ ở xã An Bình (Lạc Thủy) đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giải phóng sức lao động.

Xã An Bình là điểm sáng trong thực hiện DĐĐT. Từ năm 2019 - 2023, xã đã thực hiện dồn đổi được 381ha, bằng 42,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (dồn điền 7 thửa/hộ còn 2,4 thửa/hộ), thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Quá trình thực hiện, xã vận động nhân dân hiến được 34.200m2 đất làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Năm 2019, xã đầu tư nâng cấp tuyến kênh mương các thôn: Ninh Nội, Ninh Ngoại, Đồng Bầu, Đức Bình, Thắng Lợi; năm 2023 đầu tư kênh mương thôn Phú Tường; năm 2024 đề nghị đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa của hồ Rộc Cọ và hồ Cây Mào.

Đồng chí Quách Công Mười, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: DĐĐT kết hợp với việc đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, cơ giới hóa giúp giảm công làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch sản phẩm; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; ước lượng giảm công lao động bình quân từ 6 công/sào sau dồn điền còn 4 công/sào.

Theo thống kê, đến hết năm 2023, diện tích thực hiện DĐĐT toàn huyện là 620ha, bao gồm: diện tích DĐĐT 572,84ha, chiếm 92,39%; dồn điền nhưng không đổi thửa 19,81ha, chiếm 3,19%; đổi thửa nhưng không dồn điền 27,35ha, chiếm 4,41%. Nguồn lực huy động thực hiện DĐĐT trên 21,1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh 9.972 triệu đồng; ngân sách huyện 2 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 9.128 triệu đồng; hiến đất 38.200m2, trị giá 7.334,4 triệu đồng; hiến tài sản, tiền mặt trị giá 3.581 triệu đồng; hiến công lao động 2.972 ngày công, trị giá 445,8 triệu đồng.

DĐĐT đã có tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa bình quân giảm từ 7 - 8 thửa/hộ còn 3,98 thửa/hộ. Việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa. Trên những diện tích đã thực hiện DĐĐT, nông dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào sản xuất; từng bước thay đổi phương thức, cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tư duy kinh tế nông nghiệp, tăng quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP)... Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác tăng 29% nhờ tổ chức lại không gian sản xuất tại các khu đồng đã thực hiện DĐĐT. Trên các vùng đã thực hiện DĐĐT được quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả như: sản xuất lúa chất lượng cao tại xã An Bình; liên kết sản xuất và tiêu thụ lá dâu phục vụ chuỗi nuôi tằm của Hợp tác xã kỹ thương đồn điền Chi Nê…

Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Huyện phấn đấu đến năm 2025 dồn điền được 1.020 ha. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực, tự nguyện tham gia DĐĐT để tích tụ đất đai, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất hàng hóa. Xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất trên diện tích đã thực hiện DĐĐT. Phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện các mô hình tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ DĐĐT. Huy động nguồn lực đo đạc địa chính, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/192671/huyen-lac-thuy-don-dien,-doi-thua-tien-de-xay-dung-canh-dong-mau-lon.htm