Đơn điệu du lịch phá Tam Giang
Được thiên nhiêu ưu đãi cho trời nước hữu tình, sản vật phong phú nhưng vùng du lịch phá Tam Giang chưa thể thu hút du khách bởi chưa được đầu tư bài bản
Giữa tháng 2-2020, một đoàn du khách Pháp đến tham quan phá Tam Giang ở khu vực thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đoàn khách rất ngạc nhiên bởi họ được doanh nghiệp bố trí lên chiếc đò của ngư dân thường ngày đánh cá để đi ngắm phá.
Sau khi đi một vòng chừng 30 phút ngắm cảnh hoàng hôn phá Tam Giang, xem người dân đánh cá, Jean Richard - một du khách người Pháp - tỏ ra thích thú: "Tôi đã du lịch nhiều nơi. Chuyến đến Việt Nam lần này tôi cũng ghé một số điểm ở miền Nam nhưng nơi đó không hoang sơ bằng phá Tam Giang".
Tam Giang - Cầu Hai với diện tích hơn 22.000 ha, trải rộng nhiều huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế và là hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nơi có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. PGS-TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế, cũng khẳng định so với các đầm phá nổi tiếng như Venice (Ý) đã trở thành điểm du lịch, kinh tế nổi tiếng của châu Âu thì Tam Giang - Cầu Hai được coi là khu sinh thái thủy sản đa dạng, nước non hữu tình. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên là vẻ đẹp văn hóa, truyền thống, phong tục của người dân bản địa.
Vậy nhưng chính ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng thừa nhận việc khai thác du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm, dịch vụ còn khá nghèo nàn, chất lượng chưa cao, các hoạt động trải nghiệm đơn điệu. Mức độ lan tỏa, tạo điểm nhấn, đem lại giá trị về kinh tế đối với du lịch ở mức nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, thiếu các dịch vụ tại các điểm đến.
Các sản phẩm du lịch tại đây chủ yếu là tham quan ngắm cảnh, nghỉ chân; tham gia các hoạt động bắt tôm, đánh cá, các trò chơi trên đầm phá, ăn uống, trải nghiệm một số điểm làm nghề truyền thống, trồng rau cùng người dân. Hiện chỉ có 2 tour du lịch phổ biến là "Một ngày trên phá Tam Giang" và "Sáng Thủy Biều - chiều Tam Giang".
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhìn nhận thời gian qua địa phương đã huy động, kết hợp nhiều nguồn lực đầu tư phát triển để đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung và phát triển hạ tầng du lịch nói riêng. Riêng khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được bố trí 860 tỉ đồng, tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, thủy lợi - thủy sản, giao thông, góp phần khai thác và phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đầu tư khoảng 200 tỉ đồng.
Cách đây hơn 1 năm, bến thuyền, nhà chờ du lịch xã Phú An, huyện Phú Vang được đầu tư hoàn tất và bàn giao cho địa phương quản lý, đưa vào sử dụng phục vụ du khách tham quan đầm Chuồn - hệ thống thuộc phá Tam Giang. Vậy nhưng đến nay, công trình này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, bến thuyền chưa từng phục vụ một du khách nào vì xã loay hoay đi mua thuyền. Khoảng cuối năm 2019, xã Phú An mua về một con thuyền cũ để phục vụ khách tại bến nhưng đến nay vẫn nằm chơ vơ trên sân trước nhà chờ bến thuyền.
Trong khi đó, từ tháng 9-2019, dự án bến thuyền, cầu cảng du lịch phá Tam Giang ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) với vốn đầu tư 2 tỉ đồng được khởi công. Đến nay, tại đây chỉ là công trình dở dang sau khi đổ đất nền, xây kè. "Họ làm khá chậm. Du khách của chúng tôi mỗi lần về đây đều phải sử dụng tạm bến của người dân" - ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP Du lịch Huế (Huetourist), nêu thực tế.
Theo ông Lê Hữu Minh, để có sự phát triển đột phá, tạo điểm nhấn, mang tính dẫn dắt cho phát triển du lịch tại một địa phương, khu vực cụ thể cũng như tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thì cần có những dự án quy mô lớn của những nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cũng chưa có dự án được đưa vào hoạt động mặc dù có một số dự án đang nghiên cứu đầu tư.
Ông Nguyễn Đại Vui cho rằng hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao Sở Xây dựng phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai các nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trong đó mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để trở thành vùng trọng điểm kinh tế của miền Trung và của tỉnh; phát triển kinh tế vùng theo hướng du lịch sinh thái, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp sinh thái. Nội dung quy hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở tiền đề được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/don-dieu-du-lich-pha-tam-giang-20200324223136086.htm