Đôn đốc, xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm
Dù nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là bảo hiểm) giảm song vẫn còn doanh nghiệp (DN) nợ lớn, kéo dài. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, BHXH tỉnh linh hoạt trong tuyên truyền, vận động kết hợp xử lý nghiêm vi phạm.
14 DN nợ kéo dài, khó đòi
Công ty TNHH BT Fashion, thị trấn Bích Động (Việt Yên) hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất hàng may mặc. Theo quy định, hằng tháng, DN phải đóng bảo hiểm cho người lao động. Qua thanh tra, cuối tháng 8/2023, BHXH tỉnh phát hiện DN này mới đóng BHXH đến hết tháng 11/2022 và đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đến hết tháng 6/2023. Tính đến thời điểm thanh tra, số tiền DN này chậm đóng bảo hiểm gần 1,32 tỷ đồng. Sự chậm trễ này không chỉ vi phạm quy định mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của 118 lao động đang làm việc tại đây.
Anh Tống Văn Y, tổ dân phố Đông, thị trấn Bích Động, công nhân Công ty TNHH BT Fashion cho biết: “Mới đây đi khám bệnh, tôi mới biết thẻ BHYT của mình đã bị khóa từ ngày 1/8/2023. Giờ thì tôi và nhiều công nhân khác “tiến thoái lưỡng nan” khi DN chưa đóng bảo hiểm, bản thân muốn tự bỏ tiền mua BHYT cũng không được”.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết tháng 11/2023, số tiền nợ bảo hiểm toàn tỉnh là hơn 248,2 tỷ đồng, tương ứng 2,83% số phải thu. Đáng chú ý, hiện có 14 DN nợ lớn, kéo dài với tổng số tiền gần 21,8 tỷ đồng liên quan đến 569 lao động. Một số đơn vị nợ nhiều như: Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hóa chất Hà Bắc (TP Bắc Giang) nợ 59 tháng với tổng số tiền gần 5,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) nợ 11 tháng với tổng số tiền gần 3,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Zhiliang Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung nợ 19 tháng với tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Giám đốc BHXH huyện Việt Yên cho biết: “Trong số các DN đang nợ bảo hiểm trên địa bàn có 35 DN đã thông báo phá sản, dừng hoạt động. Đây chủ yếu là những DN quy mô nhỏ và vừa, hoạt động gia công, dịch vụ trong các lĩnh vực: Điện tử, may mặc, xây dựng dân dụng”.
Tăng cường kiểm tra, áp dụng các chế tài
Theo BHXH tỉnh, đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh thu được hơn 7,7 nghìn tỷ đồng tiền bảo hiểm, tăng gần 680 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Hằng tháng, BHXH tỉnh đều đôn đốc, công khai danh sách các DN nợ tiền đóng bảo hiểm trên trang thông tin của BHXH tỉnh, gửi UBND tỉnh và các đơn vị liên quan. Các phòng chuyên môn, BHXH các huyện rà soát, đôn đốc và xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra các DN nợ kéo dài, khó đòi.
Với các biện pháp đó, số tiền bảo hiểm thu được của năm 2023 tăng đáng kể. Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn chây ỳ, có trường hợp đã được nhắc nhở, thậm chí xử phạt song vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ. Ngoài nguyên nhân khách quan xuất phát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, rõ ràng sự vào cuộc của cơ quan bảo hiểm các cấp, chính quyền địa phương chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng nợ kéo dài.
Đến hết tháng 11/2023, số tiền nợ bảo hiểm toàn tỉnh là hơn 248,2 tỷ đồng, tương ứng 2,83% số phải thu. Trong đó có 14 DN nợ lớn, kéo dài với tổng số tiền gần 21,8 tỷ đồng.
Tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định xử phạt 185 triệu đồng đối với Công ty TNHH Zhiliang Việt Nam do chậm đóng 1,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Dù DN vẫn hoạt động song cơ quan bảo hiểm không có biện pháp thu hồi, hiện số nợ đã tăng lên hơn 4,1 tỷ đồng. Tương tự, sau thanh tra, BHXH tỉnh có kết luận, yêu cầu Công ty TNHH BT Fashion khắc phục hạn chế, nộp ngay số tiền chậm đóng; UBND tỉnh cũng xử phạt DN này 150 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 11/12, DN này vẫn chưa nộp phạt và chưa đóng bảo hiểm cho người lao động, cơ quan bảo hiểm vẫn chưa có giải pháp thu.
Để đôn đốn các đơn vị, DN chấp hành nghiêm quy định đóng bảo hiểm cho người lao động, năm 2023, ngoài thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với 238 lượt đơn vị, BHXH tỉnh thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với 47 đơn vị. Qua đó phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 20 đơn vị với tổng số tiền hơn 590 triệu đồng.
Riêng trong tháng 11/2023, BHXH tỉnh đã gửi thông báo cho 85 đơn vị nợ từ 2 tháng trở lên với số tiền 38,5 tỷ đồng; mời 88 đơn vị đến làm việc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. BHXH các huyện xây dựng kế hoạch chi tiết để đôn đốc các DN thực hiện nghĩa vụ. Tại huyện Việt Yên, để thu nợ, BHXH huyện vừa thành lập 4 đoàn công tác làm việc với các đơn vị, DN đang nợ đóng bảo hiểm, đồng thời cử cán bộ chốt sổ, xác nhận quá trình tham gia BHXH đến thời điểm DN đã nộp BHXH, trả sổ để người lao động yên tâm tham gia BHXH ở đơn vị mới.
Ở các địa phương khác, cơ quan BHXH rà soát, phân loại các đơn vị, DN nợ đóng, phân tích nguyên nhân, liên tục đôn đốc thu, đối chiếu công nợ hằng tháng. Nếu đơn vị, DN nào đang hoạt động tốt vẫn trốn đóng, chây ì sẽ tiến hành thanh tra đột xuất để làm căn cứ đề xuất xử lý vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH tỉnh) cho biết: “Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Dự thảo đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng nợ đóng bảo hiểm như: Ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng; cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm theo Bộ luật Hình sự. Thời gian tới, khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua, chế tài xử lý sẽ nghiêm khắc hơn nhằm răn đe các trường hợp vi phạm”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết