Dọn đường đón doanh nghiệp Nhật, Mỹ, EU
Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, làn sóng doanh nghiệp nhiều quốc gia khác từ EU, Mỹ... cũng có thể dịch chuyển sang Việt Nam và nhà nước cần có chính sách để nắm bắt 'cơ hội vàng' này.
Xu hướng chuyển đổi nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang gia tăng mạnh thời gian qua. Dưới tác động của dịch Covid-19, làn sóng này sẽ mạnh mẽ hơn và không chỉ DN Nhật, nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng chọn Việt Nam là một trong những điểm đến nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
Mở rộng sản xuất
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản vừa công bố 87 DN sẽ nhận hỗ trợ 70 tỷ yen (khoảng 653 triệu USD) để di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nước này. Trong đó, khoảng 30 công ty sẽ chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á. Theo danh sách được Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đưa ra, trong số này có 15 công ty đang hoạt động và sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực thiết bị y tế, linh kiện, phụ tùng ôtô, dược phẩm...
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP. Hồ Chí Minh, cho hay các DN được hỗ trợ kể trên thuộc Chương trình tăng cường chuỗi cung ứng ở nước ngoài do chính phủ Nhật triển khai. Bước đi này nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các DN này, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
"Trước dịch Covid-19, Việt Nam đã là một điểm đến phổ biến nhờ tiềm năng phát triển, mức tăng trưởng GDP cao và quy mô thị trường. Sau dịch Covid-19, xu hướng này sẽ phổ biến hơn nhiều vì các DN Nhật Bản nhận thấy Chính phủ Việt Nam kiểm soát đại dịch rất nhanh chóng. Điều này cho thấy khả năng quản lý rủi ro rất tốt" - ông Hirai Shinji phân tích.
Hiện có khoảng 2.000 DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam và 50% số này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Theo khảo sát của JETRO thực hiện cuối năm 2019 về hoạt động quốc tế của các công ty Nhật, trong xu hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài của DN Nhật thì Việt Nam là điểm đến được lựa chọn nhiều. Cụ thể, trong 159 trường hợp DN Nhật có hoạt động di dời sản xuất một phần, hoặc có kế hoạch chuyển đổi sang nước khác, có đến 39 công ty lựa chọn Việt Nam, đứng đầu trong các quốc gia, tiếp theo là Thái Lan.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù giảm nhưng con số này vẫn ở mức khả quan trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nửa đầu năm 2020 đạt 8,65 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ lớn
Các chuyên gia nhận định không chỉ với DN Nhật Bản, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, EU, Mỹ. Theo số liệu cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến nay, trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, dẫn đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 68,3 tỷ USD; tiếp đến là Nhật Bản, Singapore...
Chỉ riêng Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), tính đến tháng 7/2020, tổng vốn đầu tư tại Việt Nam hiện đã lên tới 17,36 tỷ USD. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu của Samsung Việt Nam khoảng 59 tỷ USD.
Ông Hirai Shinji đánh giá Việt Nam hiện không chỉ là điểm đến hấp dẫn ở lĩnh vực sản xuất mà còn là thị trường tiêu thụ lớn. Trước đây, các công ty Nhật Bản đến Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sản phẩm qua nước khác. Nhưng vài năm nay, DN Nhật tới đầu tư, sản xuất và bán một phần sản phẩm của họ ngay tại thị trường Việt Nam. Như tập đoàn thời trang Uniqlo chỉ trong thời gian ngắn đã mở tới 4 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. "Ngày càng nhiều DN Nhật quan tâm đến Việt Nam nhưng chưa tới đây bao giờ. Chúng tôi sẽ giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ họ tới Việt Nam" - ông Hirai Shinji khẳng định.
Ngoài sản xuất, Uniqlo còn mở 4 cửa hàng ở Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH
"Thời điểm vàng" để hành động
GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đánh giá FDI của Mỹ tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với con số 4.000 tỉ USD các DN Mỹ đã rót vào các thị trường (tính đến năm 2017) và FDI của Mỹ tại khu vực châu Á và Đông Nam Á. Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của DN Mỹ tại Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Dù vậy, trong bối cảnh mới của thế giới, nhiều chính khách và nhà kinh doanh Mỹ vẫn lạc quan đối với việc mở rộng quan hệ với Việt Nam. Nhiều DN Mỹ đang đàm phán để có thể triển khai các dự án có tiềm năng lớn trong lĩnh vực chế tạo - chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm...
Một chuyên gia trong lĩnh vực FDI, từng là CEO của DN EU tại Việt Nam, cho rằng hiện tại không chỉ các DN Nhật mà DN Mỹ, EU cũng đang có nhu cầu tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Và Việt Nam là điểm đến được lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
"Việc quan trọng cần làm lúc này là có ngay giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút làn sóng vốn FDI đang dịch chuyển, đổ sang các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần so tất cả chính sách của Việt Nam và các nước trong khu vực về thuế, đất đai, chính sách hỗ trợ... để từ đó cải thiện cho hấp dẫn hơn; quảng bá để nhà đầu tư biết Việt Nam có gì tốt hơn so với các nước về môi trường, cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, logistics; đẩy nhanh thủ tục thu hút đầu tư" - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, 15 công ty Nhật được hỗ trợ mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam là tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn quá ít so với xu hướng các DN ở nhiều quốc gia đang tính di dời. Do đó, Việt Nam cần tận dụng "thời điểm vàng" hậu Covid-19 để cơ quan quản lý hành động trong thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài. Cần có những đoàn công tác gồm các chuyên gia, DN am hiểu thị trường, đại diện cơ quan quản lý... ra nước ngoài để mời gọi đầu tư, đi cùng những giải pháp đồng bộ trong việc chuẩn bị sẵn nguồn lực trong nước.