Đơn Dương hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển du lịch
Đơn Dương là huyện đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới vào năm 2015 và tiếp tục được chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025. Huyện Đơn Dương có địa hình núi cao và đồi thoải lượn sóng bao bọc thung lũng nhiều sông suối, tạo nên một vùng đất phù sa và bazan, thuận tiện cho canh tác lúa và rau màu. Với nhiều yếu tố thuận lợi khác, Đơn Dương hội tụ khá nhiều điều kiện tốt để phát triển du lịch.
Đơn Dương nằm sát Đà Lạt và Đức Trọng là 2 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Lâm Đồng, có Quốc lộ 27 đi qua, cận kề cửa ngõ các tỉnh miền Trung vào Lâm Đồng. Đơn Dương có khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái; đặc biệt là du lịch canh nông. Đơn Dương cũng là điểm dừng chân của du khách trước và sau khi đến và đi Đà Lạt để thưởng thức không khí, thắng cảnh rừng núi như đèo Ngoạn Mục, hồ thủy điện Đa Nhim, hồ Próh, đồi La Ba - Ka Đơn...
Với trên 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên (gồm có các dân tộc K’Ho, Churu, Cil, Rắc Lây)..., Đơn Dương là nơi lưu giữ đậm nét giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Churu vì là địa phương tập trung đông dân tộc Churu nhất tỉnh. Vì vậy, người dân địa phương rất phù hợp để tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại Đơn Dương, với những hoạt động nổi bật như: Những hoạt động văn hóa nghệ thuật cùng trang phục truyền thống đậm chất Churu, đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên, đặc biệt là nghệ nhân Ma Bio và nhóm cồng chiêng ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân; quá trình tạo tác những sản phẩm thủ công truyền thống như gốm, nhẫn bạc, đan lát ở xã Lạc Xuân, Tu Tra, Próh; sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở các nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thờ Ka Đơn; khám phá công trình nhà thờ Ka Đơn độc đáo, được thiết kế và xây dựng tôn trọng vật liệu tự nhiên và đã nhận được 2 giải thưởng lớn về công trình và kiến trúc thánh của thế giới...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương có nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương tham gia chương trình sản phẩm OCOP và đã được UBND tỉnh công nhận hạng 4 sao và 3 sao; có 1 điểm du lịch canh nông; 30 cơ sở lưu trú du lịch với 309 phòng; có 600 lao động trực tiếp làm việc tác các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch... Trung bình mỗi năm Đơn Dương đón khoảng 60 đến 80 ngàn lượt khách đến tham quan.
Bước đầu, Đơn Dương đã trở thành địa điểm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là đối tượng du khách trẻ tuổi ưa tìm tòi và khám phá những điều mới lạ và là điểm checkin hấp dẫn nhất vào mỗi mùa hoa dã quỳ. Tuy nhiên, du lịch Đơn Dương nói chung, nhất là loại hình du lịch đặc trưng của Đơn Dương là du lịch canh nông, du lịch cộng đồng còn có những khó khăn. Bởi, Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng, mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp... nên chưa có mô hình mẫu, cũng như cơ sở pháp lý để phát triển.
Hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch canh nông, dẫn đến quản lý loại hình gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp (tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp...). Du lịch chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương, nhiều mô hình phát triển tự phát, chưa chuyên nghiệp; một số mô hình chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống, chưa có những sản phẩm, dịch vụ đặc trưng và các hoạt động trải nghiệm để thu hút và phục vụ khách du lịch, chưa tận dụng được hết lợi thế để tăng khả năng chi tiêu từ du khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ; vấn đề tiếp thị, quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng.
Đơn Dương cũng thiếu đội ngũ lao động chuyên ngành Du lịch, có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch canh nông; khó khăn trong công tác quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để tạo ra những chương trình du lịch phong phú, hấp dẫn phục vụ khách; sản phẩm du lịch chưa rõ tính đặc trưng và thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành cộng tác để đưa khách đến tham quan. Vì vậy, chính quyền và cộng đồng dân cư cần có những nỗ lực để khẳng định chất lượng du lịch và tăng số lượng sản phẩm du lịch địa phương cũng như gắn kết với trải nghiệm văn hóa truyền thống...