Dồn ghép điểm trường giúp GD vùng cao ở Quảng Ninh cải thiện điều kiện học tập
Việc dồn ghép điểm trường giúp cho trẻ em vùng cao được học tập trong môi trường với cơ sở vật chất hiện đại, được tổ chức ăn bán trú và học 2 buổi/ngày.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng cao và học sinh là người dân tộc thiểu số.
Trong đó, có các chính sách như: hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; tiền nhân công chăm sóc bán trú tại cấp mầm non;…
Với những cơ chế, chính sách trên, giáo dục vùng cao Quảng Ninh đang dần “thay da đổi thịt”, số lượng những ngôi trường xây mới, lớp học kiên cố không ngừng được tăng lên giúp đảm bảo an toàn cho học sinh mùa bão lũ.
Đặc biệt, việc dồn ghép điểm trường đã mang lại cơ hội cho học sinh người dân tộc thiểu số tại các địa phương vùng cao được học tập trong môi trường có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt, học sinh lần đầu được tổ chức ăn bán trú và học 2 buổi/ngày.
Học sinh được học tập với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), năm học 2014 – 2015, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tích cực thực hiện Đề án 25, Chương trình hành động số 21 về việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Sau 8 năm triển khai, huyện đã giảm 1 trường và 77 điểm trường lẻ. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 33/35 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 94,28%, trong đó 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2).
Trường Tiểu học Đông Hải (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) vào thời điểm năm học 2012 – 2013 có 1 điểm trường chính và 6 điểm lẻ với đặc điểm các điểm trường cách xa nhau và có ít số lớp (điểm chính có 5 lớp còn các điểm lẻ có điểm 3 lớp, điểm chỉ có 10 học sinh).
Việc phân ra nhiều điểm trường lẻ khiến nhà trường gặp không ít khó khăn như cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu giáo viên và việc di chuyển tới các điểm trường lẻ rất vất vả.
Thực hiện lộ trình dồn ghép điểm trường, năm học 2013 – 2014, trường dồn được 2 điểm lẻ xa nhất ở Cái Khánh – Tài Noong.
Trong 2 năm học 2014 – 2015 và 2017 – 2018, trường dồn thêm được 2 điểm về trường chính và đến năm học 2022 – 2023, trường đã hoàn tất việc dồn ghép, đưa điểm Hà Tràng Đông về điểm trường chính.
Để đảm bảo điều kiện tổ chức ăn bán trú và học 2 buổi/ngày, điểm trường chính được xây thêm 13 phòng học.
Thầy Phạm Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hải cho biết: “Bước đầu thực hiện dồn ghép nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là công tác tuyên truyền đối với phụ huynh học sinh.
Phụ huynh băn khoăn nhất là hiện con học ở điểm trường lẻ sẽ gần nhà hơn, không phải đưa đón con. Khi chuyển về điểm mới có những nhà cách trường 6km nên đưa đón vất vả hơn, có những phụ huynh cũng vướng công việc không thể đưa đón được.
Thời điểm đó, ngoài cuộc họp phụ huynh toàn trường, họp phụ huynh theo lớp, ban giám hiệu và các thầy, cô giáo dành thời gian đến tận nhà học sinh để động viên, giải thích cho phụ huynh hiểu khi về điểm trường chính, học sinh sẽ được sử dụng thư viện, phòng âm nhạc, Tin học, Tiếng Anh, lớp học khang trang, có đường truyền internet,…
Đặc biệt, khi dồn học sinh về điểm chính các em sẽ được tham gia nhiều hoạt động hơn, công tác tổ chức cũng đảm bảo và thuận lợi hơn rất nhiều.
Xuyên suốt quá trình dồn ghép, nhà trường luôn duy trì tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và dần nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh.”.
Tương tự tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), từ năm 2014 đến năm 2022, việc sắp xếp các điểm trường, các lớp nhằm tinh giản đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Tính đến năm học 2021 – 2022, trên địa bàn huyện có 22 cơ sở giáo dục, 69 điểm trường, trong đó có 27 điểm trường lẻ cấp mầm non, 21 điểm trường lẻ cấp tiểu học (giảm 01 điểm trường và 5 lớp). Toàn huyện có 322 lớp, 6.485 học sinh (tăng 119 học sinh).
Tạo lòng tin đối với phụ huynh
Việc thực hiện dồn ghép điểm trường không chỉ mang lại diện mạo mới cho trường học, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh mà còn mang lại sự tin tưởng đối với phụ huynh, góp phần giúp công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), năm học 2021 – 2022, toàn huyện có 24 trường, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên và 7 Trung tâm học tập cộng đồng.
Tổng số lớp trên toàn huyện 116 điểm trường với 424 nhóm, lớp (giảm 4 nhóm, lớp so với cùng kỳ năm học trước) trong đó, tổng số học sinh là 9205/9323 học sinh (đạt 98,73% kế hoạch, tăng 235 học sinh so với học kỳ trước).
Đến năm học 2022 – 2023, huyện giảm xuống còn 114 điểm trường và 414 nhóm, lớp (giảm 10 nhóm, lớp so với năm học trước).
Đây là kết quả của việc thực hiện Đề án 21 về giải pháp sắp xếp tổ chức, bộ máy biến chỉ lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2021, định hướng đến năm 2025.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu cho biết, trong hơn 3 năm qua, huyện tinh giản 1 trường, 6 điểm trường đạt chỉ tiêu của Đề án, đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp giáo dục so với năm 2015.
Trong đó, năm 2020 đã thực hiện sáp nhập Trường Tiểu học Đồng Văn vào thành Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – Trung học cơ sở Đồng Văn.
Năm học 2019 – 2020, huyện thực hiện dồn ghép giúp giảm 4 điểm trường và tiếp tục giảm 2 điểm trường vào năm học 2020 – 2021.
Quá trình thực hiện dồn ghép điểm trường, huyện đã thực hiện đưa học sinh lớp 4, 5 ở các điểm trường lẻ về điểm trường chính học bán trú (đến nay đã thực hiện ở tất cả các trường tiểu học trong toàn huyện) hoặc về các điểm trường gần (từ 2 km đến 2,5 đường giao thông thuận lợi) để học tập trung, đối với các lớp có số học sinh ít, tiến hành ghép để tăng số học sinh trên một lớp.
Nhờ việc thực hiện dồn ghép điểm trường, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Bình Liêu ngày càng thuận lợi hơn.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 cũng đạt 100%.