Đơn giản hóa thủ tục hành chính, gỡ những nút thắt gây lực cản cho tăng trưởng
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng.
Ngày 15-1, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, cải cách hành chính được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành. Tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 18/21 nhiệm vụ; còn 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Còn một số hạn chế
Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận 144 đề xuất, kiến nghị của các bộ, các tỉnh và đã trả lời, giải đáp, tháo gỡ tất cả các đề xuất, kiến nghị.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Qua đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 29 Luật, tăng 13 Luật so với năm 2023; các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 182 Nghị định, tăng 90 Nghị định so với năm 2023 và ban hành theo thẩm quyền 496 Thông tư.
Về cải cách thủ tục hành chính, nhiều bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 125 quyết định kinh doanh tại 47 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)...
Nhìn chung, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ tồn tại hạn chế, như một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm tới cải cách hành chính; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chậm, hiệu quả chưa cao. Trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp.
Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ. Vẫn còn tình trạng VBQPPL có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung. Cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn chưa đạt như kỳ vọng; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức.
Tình trạng chậm muộn, trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội.
Việc đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa thực sự thông suốt.
Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Về phương hướng năm 2025, báo cáo nêu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ đề ra.
Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh, kiểm tra về cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đồng thời, tham mưu xây dựng, triển khai có hiệu quả kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2025, kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính năm 2025.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó tập trung triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương; tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ sau sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt tháo gỡ những nút thắt, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc sửa đổi, đổi bổ sung các quy định chi tiết để triển khai có hiệu quả các Luật mới được Quốc hội thông qua.
Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng VBQPPL; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng. Tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2025, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tổ chức triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại một số địa phương theo kế hoạch.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; Tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo kế hoạch, lộ trình.