Đơn hàng dồn dập, xuất khẩu sầu riêng hướng tới mục tiêu 3,5 tỷ USD
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã nhộn nhịp. Dự báo, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2024.
Đơn hàng dồn dập
Tiếp nối những thành công trong năm 2023, ngay trong những ngày đầu năm mới 2024, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã nhộn nhịp. Tại các cửa khẩu ở Lào Cai, theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai (Cục Hải quan tỉnh Lào Cai) thông tin, chỉ trong 3 ngày đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 255 tấn, đạt kim ngạch gần 1 triệu USD (chiếm gần 36% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group- cho hay, hiện nay doanh nghiệp đang tích cực tăng cường giao hàng sang thị trường này. Theo ông Tùng, tính riêng thị trường Trung Quốc, năm 2023 đơn vị đã xuất khẩu 400 container sầu riêng tươi. “Năm 2023 doanh nghiệp ký đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 2.000 container sầu riêng. Tuy nhiên, nguồn cung sầu riêng xuất khẩu không đủ, nên phần còn lại của đơn hàng doanh nghiệp tiếp tục trả cho đối tác trong năm 2024”, ông Tùng cho hay.
Tương tự, bà Ngô Tường Vy - CEO Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu -cho biết, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp trong năm 2023, góp phần đưa doanh thu gấp đôi năm 2022.
Tại Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam nhận được phản hồi khá tích cực từ phía các đối tác. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh thủ tục để xuất khẩu các lô hàng sầu riêng vào thị trường này.
Chia sẻ về hoạt động xúc tiến tiêu thụ sầu riêng của Công ty CP Ameii, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, năm 2022 công ty không ghi nhận doanh thu xuất khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi thị trường này mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là với sầu riêng, công ty đã chuyển hướng và đã bắt đầu có khoảng 30% doanh thu từ thị trường này.
“2024 sẽ là năm bứt phá tại thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng xuất khẩu rau quả còn rất nhiều. Sau quá trình làm việc, tiếp cận với các tập đoàn Trung Quốc, công ty đã nhận thấy khả năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến, vì vậy, công ty sẽ tập trung vào phát triển và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm này”, ông Nguyễn Khắc Tiến nhấn mạnh.
Thực tế, trong năm 2023, không chỉ sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, các quốc gia khác cũng chi tiền khủng mua loại "trái cây vua" này của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Cộng hòa Czech tăng tới 28.195%; thị trường Canada, Mỹ, Papua New Guinea cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 222 - 837% so với năm trước. Đáng chú ý, Thái Lan - quốc gia trồng và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới cũng chi 96,9 triệu USD để mua sầu riêng của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023.
Hướng tới mục tiêu 3,5 tỷ USD
Bà Ngô Tường Vy đánh giá, hiện 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của sầu riêng Việt Nam mới chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan và Malaysia. Do đó ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và thị phần có thể ở mức 40% tại đây trong vòng 5 năm tới.
“Nhiều người Trung Quốc chưa được ăn sầu riêng, nhiều tỉnh ở Trung Quốc chưa có sầu riêng, đó là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Thực tế các đối tác của Chánh Thu cũng yêu cầu rất nhiều nhưng công ty hiện mới chỉ cung cấp được khoảng 1/10”, bà Vy cho hay.
Bà Vy cho rằng, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới. Các doanh nghiệp kỳ vọng việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sẽ tiếp tục mở cửa các mặt hàng rau quả Việt Nam, thúc đẩy nhanh quá trình cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp tục bùng nổ và chinh phục thị trường tỷ dân này.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi giúp vận tải biên giới thuận lợi hơn. Do đó, việc Việt Nam tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Từ đó, sầu riêng Việt Nam có giá thành cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan.
"Năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.