'Đơn hàng như lũ', doanh nghiệp xuất khẩu gặp thách thức mới

'Đơn hàng ập về như cơn lũ và rút nhanh như thủy triều' khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu một số ngành hàng đang phải đối mặt với những thách thức mới.

Giảm sâu lợi nhuận

Thời điểm cuối năm, hàng ngàn công nhân tại Tổng công ty CP may Việt Tiến (TPHCM) chạy hết công suất, làm thêm giờ để kịp đơn hàng thời trang cho đối tác, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm là Tết nguyên đán. Ông Ngô Thành Phát - Giám đốc điều hành cho biết, công ty hiện có hơn 20 nhà máy trên cả nước với trên 31.000 lao động.

“Hiện, DN có đơn hàng rất dồi dào đến tháng 6/2024 và người lao động không lo thiếu việc làm. Công ty cũng đang cố gắng tìm kiếm thêm đơn hàng cho 6 tháng cuối năm, có như vậy mới đảm bảo công ăn việc làm, đời sống cho người lao động” - ông Phát nói và cho biết, công ty chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, ít lợi nhuận, thậm chí hòa vốn để duy trì lượng khách hàng, tạo việc làm cho người lao động. Ổn định thu nhập, việc làm cho công nhân là mục tiêu hàng đầu của DN này.

Để có đủ đơn hàng, ông Phát cho hay, ngoài việc luôn đảm bảo uy tín với khách hàng, gần đây đơn vị còn đẩy mạnh chuyển đổi xanh, mở rộng phân khúc, phát triển nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có chế độ đãi ngộ cạnh tranh nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… đẩy mạnh tiêu thụ đa dạng sản phẩm nội địa và đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe từ các đối tác quốc tế. Việt Tiến còn đang tuyển thêm 1.000 lao động làm việc tại TP.HCM. Các vị trí đang cần nhân sự bao gồm công nhân may, quản lý dây chuyền may, nhân viên may mẫu… với thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng/tháng.

Các sản phẩm thạch dừa và nha đam xuất khẩu của Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) tăng trưởng khá tốt trong năm 2023, tới 25% so với năm 2022. Công ty cũng tối ưu hóa chi phí để sản phẩm có giá tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food thông tin, những khách hàng lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã “chốt” đơn hàng đến hết năm 2024.

Riêng khách hàng vãng lai và ở những thị trường mới sẽ mua theo mùa. Đánh giá về tiềm năng thị trường xuất khẩu, ông Thứ nhìn nhận, trong khó khăn mới thấy rõ nông sản - thực phẩm Việt Nam hiện có lợi thế, được nhà nhập khẩu tin tưởng đặt hàng. “Trước đây, khi mua nông sản - thực phẩm, khách hàng thường chọn Thái Lan nhưng nay, Việt Nam được khách hàng tìm kiếm bởi có nhiều nhà máy sản xuất thực phẩm có công suất lớn, đạt các tiêu chuẩn cao của quốc tế” - ông Thứ nói.

Công nhân may thuộc Tổng Cty CP May Việt Tiến tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm ảnh: U.P

Công nhân may thuộc Tổng Cty CP May Việt Tiến tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm ảnh: U.P

Lý giải về việc nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, sau một thời gian dài ảnh hưởng do dịch COVID-19, lượng hàng tồn kho của các nhãn hàng đã giảm bớt. Bên cạnh đó, mặc dù do ảnh hưởng xung đột giữa Nga - Ukraina đã khiến nhiều người dân ở châu Âu thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm, nhưng nhu cầu về quần áo, giày dép vẫn là những sản phẩm cần thiết cho đời sống hàng ngày. Vì vậy một số doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, giày dép của Việt Nam đã có đơn hàng trở lại.

Nguy cơ bị bỏ hàng

Ông Trần Lam Sơn, thành viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đã và đang có xu hướng phục hồi tích cực. Nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm đồ nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Những DN lớn, sản xuất những sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 7, tháng 8; còn lại đa số DN gỗ có đơn hàng đến quý II/2024.

Theo ông Sơn, năm nay DN có nhiều thuận lợi khi những khó khăn của việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được giải quyết, lãi suất ngân hàng đang giảm. Nhiều DN có mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, lao động trẻ, thương hiệu Việt ngày càng uy tín… Đây là những lợi thế để DN tăng cường xuất khẩu trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, ông Sơn ví “đơn hàng ập về như cơn lũ và rút nhanh như thủy triều” khiến DN phải đối mặt với những thách thức mới. Lý do là cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023 đơn hàng đổ về nhiều để các DN gỗ xuất hàng cho khách bán vào mùa xuân. Nhưng từ giữa tháng 1/2024, cước tàu tăng 3.000 - 4.000 USD/container, thậm chí không có container do kênh đào Panama bị cạn, kênh Suez gặp khủng bố nên khách hàng ép DN phải xuất hàng sớm. Họ cũng đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn và có cớ hủy hàng. Hàng làm trễ có nguy cơ bị bỏ lại…

Ông Nguyễn Văn Thứ cho biết, công ty ông cũng có một số đơn hàng phải nằm lại vì nguyên nhân chi phí cước logistics tăng cao. Giá cước vận tải đường biển xuất khẩu tăng đều ở mọi tuyến đường, ảnh hưởng đến chi phí hàng hóa. Ông Thứ cho biết, thông thường khách hàng đã đặt và vận chuyển hàng ngay từ tháng 1, nhưng năm nay, tháng 1 chưa thể giao hàng mà chuyển qua tháng 2. Công ty cũng đang tiếp tục đàm phán với khách hàng để tìm giải pháp.

Kết nối gia tăng thị trường xuất khẩu

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho biết, nhằm hỗ trợ DN, trong năm 2024, Hiệp hội sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy DN chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo đó, sẽ kết nối DN xanh với các hội DN nước ngoài nhằm gia tăng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Hiệp hội sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xanh của Việt Nam ra nước ngoài, thông qua các Hội DN nước ngoài mà Hiệp hội có quan hệ liên kết.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, năm 2024 là năm bứt phá để nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hướng tới hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Theo đó, thành phố đề ra chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố tăng 10%.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/don-hang-nhu-lu-doanh-nghiep-xuat-khau-gap-thach-thuc-moi-post1606033.tpo