Đơn hàng quay trở lại, doanh nghiệp lấy lại 'phong độ' vào giai đoạn cuối năm

Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới liên tục tăng, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều ghi nhận đà tăng trưởng; nhiều doanh nghiệp đến nay đã dần bắt nhịp phục hồi và lấy lại thị phần ở các thị trường chủ lực. Đây là những dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý 3/2022. Đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, mức tăng này đã phản ánh sự phục hồi trở lại của ngành sản xuất trong nước…

“Sức khỏe” ngành sản xuất đang phục hồi tích cực

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết triển vọng kinh tế thế giới đang dần “sáng hơn”, nhờ đó các đơn hàng xuất khẩu cũng gia tăng, doanh nghiệp đang tận dụng mọi cơ hội để tăng tốc về đích đạt mục tiêu đã đề ra. Điều này được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu trái cây đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Dự báo 3 tháng cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức tốt, riêng xuất khẩu sầu riêng, dừa tươi đi Mỹ và Trung Quốc sẽ bứt phá.

Số lượng và giá trị đơn hàng của nhiều doanh nghiệp tăng từ 20-40% so với thời điểm đầu năm.

Số lượng và giá trị đơn hàng của nhiều doanh nghiệp tăng từ 20-40% so với thời điểm đầu năm.

Thời điểm này, bưởi đang vào chính vụ không chỉ ở các tỉnh miền Nam mà nhiều tỉnh miền Bắc cũng bắt đầu thu hoạch. Niềm vui đến với các doanh nghiệp xuất khẩu khi nhu cầu đơn hàng từ thị trường Mỹ, New Zealand đang tăng nhanh với số lượng lớn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, không chỉ đơn hàng xuất khẩu bưởi đang tăng mà các loại trái cây khác như nhãn, thanh long... cũng xuất khẩu tốt. "Nhìn chung là một gam màu tươi sáng. Đến cuối năm, xuất khẩu trái cây nói chung còn nhiều triển vọng đi lên tiếp vì đơn hàng rất nhiều", ông Tùng nói.

Kể từ tháng 8 đến nay, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản đã phục hồi từ 20-40% so với thời điểm đầu năm khi các nhà mua hàng tăng mua trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm, lễ Tết.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn thông tin, lượng đơn hàng đã đạt khoảng 90% nên công ty bắt đầu cho công nhân làm việc nhiều trở lại với thời gian nhiều hơn, nghỉ ít hơn. Đây là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp và người lao động.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm cũng cho biết, một số nhóm hàng tiêu dùng đã có đơn hàng mới cho doanh nghiệp do dự trữ tồn kho đã hết. Doanh nghiệp đang tuyển thêm công nhân để phục vụ đơn hàng xuất khẩu, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng tới tháng 4 năm sau.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, xu hướng cải thiện trong hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang tương đồng với 3 quốc gia khác trong khu vực ASEAN là Indonesia, Myanmar và Singapore, nhưng tích cực hơn so với sự suy giảm của Thái Lan, Malaysia và Philippines.

"Tôi kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm khi nhu cầu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tăng lên để chuẩn bị cho các mùa lễ hội, mua sắm cuối năm", bà Phương dự báo.

Cần kéo dài chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp

Thực tế, không chỉ có lĩnh vực xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ mà tiêu dùng và đầu tư cũng cho thấy sự bứt tốc trong những tháng gần đây.

Cụ thể, ở lĩnh vực tiêu dùng phản ánh qua nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III ước đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 9 tháng, ngành dịch vụ tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 sụt giảm 4,1% so với tháng trước, song lại tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 sụt giảm 4,1% so với tháng trước, song lại tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư cũng đang tạo ra điểm nhấn nổi bật trong khi tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ giải ngân đầu tư công đạt xấp xỉ 57%.

Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, tiến độ giải ngân đầu tư đạt 57% cho thấy rõ sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ và sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua.

Theo ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích tại Chứng khoán Smart Invest, từ giờ đến cuối năm, "cỗ xe tam mã" gồm xuất nhập khẩu, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục được thúc đẩy thì sự phục hồi sẽ hình thành một xu hướng rõ nét. Đà hồi phục có thể không theo mô hình V mà đường đi lên theo dốc thoải. "Đó là một tín hiệu tốt. Những kỳ vọng đặt ra từ đầu năm đang có dấu hiệu trở thành hiện thực", ông nói.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam được nhận định đang dần bứt tốc, lạm phát phát vẫn trong tầm kiểm soát (mục tiêu 4,5%) với CPI 9 tháng đầu năm tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều áp lực từ bối cảnh kinh tế quốc tế, đặc biệt lạm phát và mặt bằng lãi suất trên thế giới cũng mới chỉ có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt, do đó tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đối mặt không ít thách thức. Trong bối cảnh này cần kéo dài chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp đều hy vọng các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai có thể kéo dài tới năm sau. Thực tế cho thấy thời gian qua, các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT… trở thành những "liều thuốc" kịp thời cho doanh nghiệp.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/don-hang-quay-tro-lai-doanh-nghiep-lay-lai-apos-phong-do-apos-vao-giai-doan-cuoi-nam-1095695.html