Đơn hàng tăng, dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Khác với tình hình ảm đạm trong năm 2023 về tình hình đơn hàng, bước sang năm 2024, thị trường cho hàng dệt may đã có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 8 và tháng 9-2024.

Chia sẻ tại Hội thảo định hướng sản xuất hàng may mặc do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Công ty TNHH Lectra Việt Nam vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Ngành dệt may Việt Nam sở dĩ có sự khởi sắc kể trên là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên. Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.

“Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,3 tỷ USD, vì vậy mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam đến cuối năm 2024 là hoàn toàn khả thi”- bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận định.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có khởi sắc, nhận nhiều đơn hàng hơn. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý II phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức từ 10-15%. Đơn hàng vẫn ở quy mô nhỏ nhưng phân khúc sản phẩm đa dạng giúp doanh nghiệp sản xuất “dễ thở” hơn”.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10.

Dù đơn hàng có khởi sắc hơn, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, đơn giá gia công còn rất thấp, dung lượng đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn. Những chi phí về nguyên phụ liệu, chi phí logistics vẫn còn quá cao do xung đột Biển Đỏ, trong bối cảnh Việt Nam dần mất đi lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ nên rất khó kiếm được đơn hàng đơn giản với số lượng lớn.

Hơn nữa, phần lớn các thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng. Những đòi hỏi khắt khe từ nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng chứng chỉ xanh đối với nhà máy, sản phẩm có sử dụng sợi tái chế để đảm bảo chuẩn về kinh tế tuần hoàn. Ngành dệt may đứng trước áp lực giảm khí thải nguy hại trong quá trình sản xuất; cải thiện về nguồn lao động và môi trường, nguyên phụ liệu, tiết kiệm năng lượng và xanh hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần phải tạo lập thương hiệu Việt Nam đứng ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, chú trọng và đề cao việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của chính mình, thay thế cho sản phẩm xuất khẩu vẫn phải mang tên của các thương hiệu lớn khác trên thế giới. Cùng với đó, doanh nghiệp phải dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành từ đó làm tăng lợi thế cạnh tranh.

Ông Kevin Trịnh Vũ, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Lectra Việt Nam cho biết, với lượng lớn doanh nghiệp là nhỏ và vừa thì việc ứng dụng công nghệ và tối ưu hóa trong quá trình sản xuất sẽ giúp tiết kiệm được chi phí, nhân công. Theo đó, dòng máy cắt vải tự động nhiều lớp VectorFashion IC70 đã được tối ưu hóa cho thị trường Việt Nam từ mức đầu tư ban đầu, tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành, tăng hiệu suất làm việc hoàn toàn phù hợp với các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/don-hang-tang-det-may-huong-toi-muc-tieu-xuat-khau-44-ty-usd-776742