Đơn hàng xuất Nga tăng, doanh nghiệp Việt đối diện xung đột Nga - Ukraine thế nào?

Căng thẳng Nga – Ukraine đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong thanh toán do việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Hiện Bộ Công thương đã đề nghị thương vụ Việt Nam tại Nga nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian tới, xuất khấu sang Nga sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ về vận chuyển.

Nga là thị trường tiềm năng của Việt Nam, xét cả khía cạnh nhập khẩu và xuất khẩu. Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, 3 tháng đầu năm 2022, các đơn hàng sang Nga đang tăng mạnh, tuy nhiên việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương tây đối với Nga, khiến nhiều đơn hàng sang Nga phải dừng lại vì khó khăn trong thanh toán và chi phí vận tải tăng cao

Ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: “Trên thực tế hiện nay doanh nghiệp vẫn có một số kênh thanh toán khác hoặc không phải tất cả các ngân hàng của Nga đã bị đưa ra khỏi hệ thống SWIFT, nên doanh nghiệp có thể phối hợp với bạn hàng Nga để tìm kênh thanh toán vẫn có thể giao dịch được. Tuy nhiên sau khi căng thẳng chấm dứt thì biện pháp cấm vận hoặc trừng phạt kinh tế vẫn có thể duy trì thời gian vì vậy doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì biện pháp thay thế để hạn chế tối đa tác động bất lợi”.

Theo phân tích, dù căng thẳng Nga - Ukraine không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, những tác động gián tiếp qua giá dầu thô hay từ những nước áp dụng lệnh trừng phạt với Nga, thì đó là vấn đề cần lưu tâm. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sẵn sàng chuẩn bị kịch bản ứng phó với tác động từ xung đột Nga - Ukraine, trong đó kêu gọi các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương: “Hiện chúng tôi đang tập trung hỗ trợ cho hiệp hội ngành hàng có thể tận dụng cơ hội Việt Nam đang là thành viên của các hiệp định thương mại tự do, tranh thủ bối cảnh khan hàng phạm vi toàn cầu trong khi Việt Nam có lợi thế, để đưa vào thị trường các nước. Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan của Bộ cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi như việc cấp CO bằng điện tử, hoặc tăng ủy quyền sở công thương địa phương hay doanh nghiệp tự công bố truy xuất hàng hóa của mình”.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chúng tôi đã thống nhất với Bộ Công thương, sẽ liên tục có cuộc họp giao ban để nắm bắt và phản hồi thông tin, xử lý thông tin kịp thời với các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu cũng như chiến lược phát triển ngành nông nghiệp để thích ứng với điều kiện bị đứt gãy, biến động của thị trường.

Hiện toàn bộ hệ thống Thương vụ của Việt Nam tại các nước Châu Âu đang nỗ lực cao nhất hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu. Hiện nay, các hợp đồng sử dụng đồng nội tệ VND-RUB hoặc Euro vẫn chưa vướng vấn đề thanh toán, tuy nhiên dự kiến khi EU áp dụng trừng phạt toàn diện với Nga thì khâu thanh toán đối với các hợp đồng sử dụng đồng thanh toán là Euro sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có tính toán phương án ngay từ bây giờ.

Thực hiện : Hải Yến

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/don-hang-xuat-nga-tang-doanh-nghiep-viet-doi-dien-xung-dot-nga-ukraine-the-nao