'Đòn hiểm' của Mỹ đối phó với sức mạnh đang lên của Hải quân Trung Quốc
Chuyên gia Mỹ vừa hiến kế hiểm cho Bộ Quốc phòng nước này để đối phó với sức mạnh đang lên của Hải quân Trung Quốc, nhất là sức mạnh đổ bộ.
Sức mạnh Hải quân Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ
Việc hạ thủy tàu đổ bộ tấn công lưỡng thể lớp 075 đã mở ra một cao trào mới trong việc chế tạo “hạm đội” tàu đổ bộ tấn công của Trung Quốc. Cùng với việc hạ thủy các tàu chiến lưỡng thể mới, tàu đổ bộ lưỡng thể lớp 071 đang được chế tạo cũng là lực lượng chính của hoạt động đổ bộ của Trung Quốc. Gần đây, tại xưởng đóng tàu Hỗ Đông, Thượng Hải, Trung Quốc đã hoàn thành chế tạo tàu vận tải đổ bộ lớp 071 thứ 7 và mang số hiệu 986, và chuẩn bị được đưa vào biên chế.
Tàu lớp 071 từ lâu đã là một phần quan trọng của lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Lớp 071 là tàu đổ bộ đầu tiên của Trung Quốc với lượng giãn nước hơn 20.000 tấn. Trong giai đoạn từ 2007-2012, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 3 tàu đổ bộ lớp 071, đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc được biên chế số lượng ít tàu hiện đại, có thể nhanh chóng vận chuyển 1 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Trung Quốc với 20 xe tăng tấn công lưỡng thể và 16 trực thăng đến bất cứ vùng biển nào trên thế giới. Cùng với sự phát triển của Hải quân Trung Quốc, 3 tàu đổ bộ lớp 071 đã không còn đủ để đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thời đại mới.
Do vậy, Hải quân Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch chế tạo thêm 5 tàu lớp 071, và sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tiếp theo sau đó. Ba tàu lớp 071 mang tên Nghi Mông Sơn, Long Hổ Sơn và Ngũ Chỉ Sơn lần lượt được đưa vào sử dụng tháng 2/2016, tháng 9/2018 và tháng 1/2019, tàu lớp 071 thứ 7 và thứ 8 cũng đang được đẩy nhanh quá trình chế tạo để đưa vào biên chế. Theo tính toán của Hải quân Trung Quốc, chỉ cần 8 tàu đổ bộ lớp 071, Trung Quốc có thể tùy thời điều động 2 lữ Hải quân và hơn 60 xe tăng đến bất kỳ khu vực nào trên các vùng biển trong khu vực châu Á, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu chi viện, tác chiến đổ bộ.
Điều đáng chú ý là thời gian đóng tàu trung bình của mỗi tàu lớp 071 là khoảng 24 tháng, thời gian thử nghiệm và hoàn thành các công đoạn kỹ thuật khoảng 6 tháng. Tàu lớp 071 thứ 8 đã được hạ thủy vào tháng 6/2019, tàu này được hoàn thành đóng và chạy thử nghiệm từ tháng 12/2018, đến đầu tháng 11/2019, tàu này đã được đánh số và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, tàu tấn công lưỡng thể lớp 075 cũng đang được hoàn thiện trong Nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, mặc dù tàu lớp 075 có yêu cầu cao hơn tàu lớp 071 về mặt kết cấu và thân tàu, tuy nhiên, theo như tiến độ hiện tại của con tàu, đến quý II năm 2020 là đã có thể đưa vào sử dụng, thậm chí là quý I nếu đẩy nhanh tiến độ. Tàu lớp 075 đầu tiên của Trung Quốc đã được hạ thủy vào ngày 25/9.
Tàu đổ bộ tấn công lớp 075 là dự án lớn và phức tạp thứ hai do Trung Quốc chế tạo, sau dự án tàu sân bay. Tàu lớp 075 có lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, tương đương với tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ. Giới phân tích phương Tây từng bày tỏ sự lo ngại đối với dự án tàu đổ bộ tấn công lớp 075 của Trung Quốc, đặc biệt khi xem xét các mục tiêu chiến lược và tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh với các nước trong khu vực.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc ca ngợi tầm quan trọng của tàu lớp 075 là “kỷ nguyên mới cho sự phát triển của các tàu chiến ở Trung Quốc”. Tàu lớp 075 có thể mang theo khoảng 30 trực thăng các loại như trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D, hạng trung Z-20, vận tải hạng nặng Z-8; hàng trăm thủy quân lục chiến; phương tiện chiến đấu; 2 tàu đổ bộ đệm khí Type-726.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh để xây dựng năng lực đổ bộ chỉ đứng sau Mỹ, trong tương lai, có thể thấy rằng, sau khi 8 tàu lớp 071 đưa vào hoạt động, Trung Quốc sẽ chắc chắn chế tạo thêm 4 tàu lớp 071 để thay thế các tàu cũ chuẩn bị nghỉ hưu. Đối với tàu lớp 075, tốc độ chế tạo sẽ tương tự tàu 071 để nâng cao toàn diện sức mạnh đổ bộ của Hải quân, Trung Quốc đang chế tạo thêm 2 tàu lớp 075 và 3 tàu phiên bản nâng cấp lớp 075B.
Tàu lớp 075 khi kết hợp với tàu lớp 071 hoàn toàn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ chi viện, tiếp tế cho các đảo nhân tạo trong một cuộc khủng hoảng, hoặc trong tình huống cầu cảng trên đảo bị phá hủy, trong dài hạn sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Những tàu đổ bộ này sẽ đi cùng với tàu hộ tống được vũ trang mạnh mẽ để bảo vệ nhóm tàu trước cuộc tấn công từ trên biển, trên không và dưới nước.
“Đòn hiểm” của Mỹ để kiềm chế Hải quân Trung Quốc
Để kiềm chế sức mạnh Hải quân đang lên của Trung Quốc, mới đây một số chuyên gia Mỹ “hiến kế” Bộ Quốc phòng Mỹ bán hoặc cho Austraylia và các đồng minh trong khu vực châu Á khác thuê 10 hoặc 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia, điều này sẽ trở thành “ác mộng” của Hải quân Trung Quốc. Hành động này sẽ cho phép Mỹ hạn chế tác động từ việc Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng hàng hải, đồng thời khiến mạng lưới chống tiếp cận, chống xâm nhập của Trung Quốc ở Thái Bình Dương trở nên lỗi thời.
Các chuyên gia quân sự Nga cũng tranh cãi về vấn đề này, nếu Mỹ tiến hành hành động trên, chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh và nghiêng về phương Tây ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok nói rằng việc coi điều này có thể trở thành thảm họa cho Trung Quốc là sự thổi phồng quá mức.
“Hải quân Trung Quốc đang được tăng cường với tốc độ ấn tượng đến mức nước này sẽ trở thành một cường quốc trên biển mạnh nhất không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới trong tương lai gần. Các bạn sẽ không thể làm Trung Quốc kinh hãi chỉ với 10 hay 12 chiếc tàu mà sẽ chỉ đặt họ vào tình trạng cạnh tranh”, ông Khodarenok nhận xét.