Đón học sinh trở lại, nhà trường và thầy cô cần lưu ý điều gì?
Học sinh đến trường, rất cần thầy, cô giáo khuyến cáo những điều cần thiết để các em nâng cao ý thức đề phòng dịch nhưng phải khoa học, phù hợp với thực tế.
Ngày 4/5/2020 vừa qua là một ngày rất đặc biệt đối với hàng chục triệu học sinh trên cả nước khi các em trở lại trường học. Náo nức, mừng rỡ xen lẫn cả sự lạ lẫm, lo âu là điều vẫn hiện hữu đối với thầy và trò ở các nhà trường.
Các em được các thầy cô, nhân viên đón tại cổng trường để đo thân nhiệt, xịt nước rửa tay. Em nào cũng khẩu trang che gần kín mặt, thầy trò chỉ nhận ra nhau qua đôi mắt nhìn…
Đề phòng dịch bệnh là cần thiết nhưng có lẽ các nhà trường, phụ huynh cũng cần linh hoạt, không nên quá máy móc mà khiến cho cả thầy và trò đều cảm thấy bất tiện, khó khăn trong việc học hành.
Những bất tiện đang hiện hữu trong mỗi lớp học
Học sinh đi học trở lại khi mà tình hình dịch bệnh trong nước đã kiềm chế được nhưng đối với các nước vẫn còn khá phức tạp nên tâm trạng lo lắng, đề phòng dịch bệnh là điều mà các thầy cô, phụ huynh là điều không tránh khỏi.
Chính vì vậy, học sinh phải mang khẩu trang, thậm chí là cả mũ chắn giọt bắn từ nhà đến trường cho đến khi buổi học kết thúc để trở về nhà. Những bất tiện, ngột ngạt, khó chịu là điều chắc chắn.
Nắng tháng 5 dù mới đầu mùa nhưng cũng không hề dễ chịu đối với gần hết thầy và trò ở các nhà trường.
Nhiều trường học không có cây xanh nên đầu giờ học, khi học sinh vào trường phải đứng xếp hàng chờ đợi để đo thân nhiệt, rửa tay trong cái nắng buổi trưa khiến nhiều phụ huynh không thể an lòng.
Vào lớp, thầy cô vừa giảng bài vừa đeo khẩu trang nên chỉ được một chút thì khẩu trang lại tụt xuống cũng rất bất tiện, khó chịu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Không có hướng dẫn nào bắt học sinh đeo tấm chắn
Những ngày này, phần lớn các địa phương đang bước vào những đợt nắng nóng, đa số trường công lập chưa có máy điều hòa nhiệt độ nên thầy và trò ngồi học vào buổi chiều rất ngột ngạt. Nhất là thầy cô chỉ giảng bài một hồi là áo đã đẫm mồ hôi.
Đặc biệt là tiếng trống trường khiến các em lạ lẫm hơn cả. Học sinh các khối không vào học cùng giờ, không ra chơi, ra về cùng lúc nên các trống hiệu cũng rất khác nhau.
Trống vào học của khối này, khối kia cũng ngồi ngăn nắp trong lớp, trống khối này ra chơi, khối kia cũng nhốn nháo hùa theo…Vì thế, thầy cô cứ liên tục phải đính chính những tiếng trống trường vào học, ra chơi vang lên liên tục.
Các trường học không nên quá cứng nhắc, máy móc
Sáng 6/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục họp bàn những nội dung chính trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Điều đáng chú ý là trong buổi họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến một số biện pháp cực đoan mà một số nhà trường đang áp dụng.
Trong đó, Phó Thủ tướng đưa ra nhận định: "Nên bỏ các biện pháp không cần thiết và cực đoan như bắt học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo tấm chắn nhựa, lớp học không được bật điều hòa... không những không cần thiết mà còn hại cho sức khỏe".
Những chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng là điều trăn trở chung của nhiều người trong những ngày qua. Một khi học sinh đi học lại cũng đồng nghĩa là chúng ta đã tính toán cẩn thận mới đưa ra quyết định này.
Học sinh đến trường, rất cần thầy, cô giáo khuyến cáo những điều cần thiết để các em nâng cao ý thức đề phòng dịch nhưng phải khoa học, phù hợp với thực tế.
“Con khó thở lắm cô ơi!”
Nắng nóng như thế này không thể bắt học sinh đứng xếp hàng rồng rắn trước cổng trường để thầy cô đo thân nhiệt và xịt cho ít nước sát khuẩn giữa cái nắng trên 30 độ C lúc hơn 12 giờ trưa được.
Nhà trường nên bố trí những khu vực mát hơn, không nhất thiết là tại cổng trường khi đo thân thiệt cho học trò. Trong trường, chỉ cần một cái bảng hướng dẫn buổi đầu là học sinh sẽ ý thức thực hiện theo nội quy của nhà trường.
Khi vào lớp học, học sinh có thể mang khẩu trang nhưng cũng không quá cứng nhắc là cứ phải mang liên tục trong buổi học. Chỉ cần thầy cô chú ý xếp học sinh ngồi ra 2 đầu bàn. Ra chơi, thì bắt buộc yêu cầu học sinh đeo khẩu trang là hợp lý.
Tuyệt đối không nên bắt buộc học sinh đeo mũ chắn giọt bắn trong lớp học vì nó ngột ngạt lắm mà ảnh hưởng đến thị giác của học trò và khó khăn trong tiếp thu bài vở.
Phương châm của chúng ta là an toàn mới trở lại trường học và bây giờ học sinh đi học trở lại phải tạo cho các em cảm giác đã an toàn. Đừng quá cứng nhắc, máy móc mà vô tình làm cho các em học sinh sợ hơn.
Dù lúc này nước ta đã có hơn 20 ngày không có ca bệnh lây trong cộng đồng, chúng ta không chủ quan nhưng không nên đề phòng dịch bệnh bằng các biện pháp cực đoan mà khổ cho cả thầy và trò.