Đón học sinh... trong đêm

Khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ say thì những cô giáo ở các trường mầm non thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn huyện biên giới Chư Prông đã mở cửa đón học sinh từ tay cha mẹ các em. Việc làm này của các cô nhằm giúp phụ huynh là công nhân cạo mủ ra lô cao su đúng giờ.

Mùa cạo mủ cao su ở Gia Lai thường kéo dài từ tháng 4 đến cuối năm. Mỗi khi vào mùa cạo mủ cao su, công nhân phải ra vườn cây từ hơn 22 giờ. Khi ấy, những đứa trẻ trong độ tuổi mầm non được bố mẹ đưa đến gửi nhờ các cô giáo ở điểm trường của các đơn vị trông nom.

Đúng 23 giờ, cô Hoàng Thị Hiệu-Giáo viên điểm Trường Mầm non Đội 5 (Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710) đã thức dậy, bật điện sáng để đón các cháu. Ánh đèn pin đội đầu của các công nhân thấp thoáng dưới những cánh rừng cao su. Từng bóng người lặng lẽ tiến về điểm trường.

Chị Đinh Thị Hoa (công nhân Đội 5) là người đưa con đến điểm trường sớm nhất. Trên lưng chị, cháu Vi Thị Ánh Tuyết vẫn còn say giấc. Cô Hiệu lách mình qua khe cửa phòng học, đi đến nhẹ nhàng đón bé Tuyết. Khi bế Tuyết vào giường ngủ, cô Hiệu vỗ về, rồi dùng chăn ấm để ủ ấm cho bé.

 Cô giáo đón trẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cô giáo đón trẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Chị Hoa chia sẻ: “Vợ chồng tôi là người dân tộc Thái từ tỉnh Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Bố mẹ đều ở xa nên mỗi lần đi cạo mủ, tôi đều gửi con nhờ các cô giáo chăm sóc. Có các cô trông coi giúp nên tôi rất yên tâm”.

Trời càng về khuya cũng là lúc các bậc phụ huynh đưa con đến điểm trường nhiều hơn. Người ở gần thì đi bộ, người ở xa thì đi xe máy, nhưng khi cách điểm trường chừng 50 m, họ đã tắt máy, xuống xe dắt bộ, lặng lẽ đưa con đến lớp vì sợ tiếng xe máy sẽ làm các cháu thức giấc.

Từ khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ sáng là việc đưa các cháu đến lớp hoàn thành. Lúc này, các cô giáo bắt đầu công việc thầm lặng của mình. Trò chuyện với chúng tôi, cô Hiệu tâm sự: "Tôi là giáo viên đảm nhận điểm đón trẻ này. Chồng đi làm xa, 2 con nhỏ cũng được đưa đến đây mỗi khi tôi lên lớp.

Điểm trường có 27 cháu là con của công nhân đang khai thác mủ cao su của đơn vị. Nhiều gia đình có điều kiện sẽ đón các cháu khi hoàn thành việc cạo và thu mủ. Cũng có gia đình đến 17 giờ mới đón. Vì vậy, hầu như các cháu ở với cô giáo nhiều hơn với bố mẹ".

Cũng tại xã Ia Tôr, các cô giáo tại điểm trường mầm non Đội 5 (Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, Công ty Bình Dương) cũng tất bật đón trẻ giữa đêm khuya. Cô giáo Phan Thị Hương cho biết: "Điểm trường có 76 cháu, trong đó có 23 cháu được gia đình đăng ký đón vào ban đêm.

Ở đây, chúng tôi có 2 giáo viên đảm nhận việc dạy và chăm sóc các cháu. Thông thường từ 23 giờ, chúng tôi sẽ chăm sóc các cháu cho đến khi phụ huynh hoàn thành công việc đến đón con em trở về nhà”.

 Cô giáo điểm trường Đội 5, Trung đoàn 710 đón trẻ từ tay mẹ mỗi đêm khuya. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cô giáo điểm trường Đội 5, Trung đoàn 710 đón trẻ từ tay mẹ mỗi đêm khuya. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hầu hết các hộ gia đình làm công nhân nhận khoán trồng cao su của Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 và Công ty Bình Dương đều từ các tỉnh phía Bắc vào đây lập nghiệp. Đại đa số là vợ chồng trẻ nên hầu như nhà nào cũng có con nhỏ. Trong khi đó, gia đình bố mẹ hai bên và người thân ở xa nên họ phải gửi con ở các điểm trường cậy nhờ các cô giáo trông coi.

Chị Rơ Mah H’Thung-Công nhân Đội 8 (Công ty Bình Dương) cho biết: “Con gái tôi gửi ở đây đã hơn 1 năm rồi. Lúc đầu, cháu chưa quen nên quấy khóc, các cô vất vả lắm. Giờ thì cháu đã bén hơi cô”.

Đại tá Khuất Bá Cao-Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: "Địa bàn đứng chân của Binh đoàn trải dài 251 km trên tuyến biên giới thuộc 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và khu vực Tây Nam tỉnh Quảng Bình. Địa bàn rộng nên đơn vị xây dựng các trường học để nuôi dạy con em của công nhân, người lao động, giúp họ yên tâm công tác.

Vào mùa cạo mủ cao su, các trường học triển khai việc đón và chăm sóc trẻ vào ban đêm. Hầu hết giáo viên đều coi các cháu như con em mình, chăm sóc chu đáo, đảm bảo giấc ngủ ngon và chăm sóc về dinh dưỡng cho các cháu".

VĨNH HOÀNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/don-hoc-sinh-trong-dem-post308925.html