Đón làn sóng đầu tư mới
Làn sóng FDI có thể dồn dập cập bến Việt Nam nhưng nếu không chuẩn bị đủ điều kiện thì không bắt được sóng
Chỉ cách đây vài tuần, chưa ai dám lạc quan về khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, gần như phải đóng băng mọi hoạt động. Tuy nhiên, sau những kết quả tích cực trong chống dịch của Việt Nam, cùng với động thái chuyển dịch dòng đầu tư trên thế giới, nhiều ý kiến cho rằng FDI chất lượng cao sẽ vào Việt Nam.
Điểm đến an toàn
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh việc tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn FDI chất lượng cao từ Trung Quốc và một số quốc gia khác vào Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Ông phân tích: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao".
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm 2016-2018. Như vậy, bất chấp tác động của dịch, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam và dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn nữa vào nước ta trong thời gian tới.
Tại TP HCM, quý I/2020, thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) kể cả cấp mới và điều chỉnh tăng tới 86,04% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 117,76 triệu USD. Trong đó, riêng vốn FDI đạt 65,98 triệu USD, tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP HCM, đánh giá Việt Nam đang được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á khi các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, Nhật… quyết tâm chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Ông Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cũng nhận định các nhà đầu tư thường không muốn dịch chuyển sản xuất sang vị trí quá xa so với Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong đón sóng đầu tư này. Động thái gần đây của Tập đoàn Apple liên tục đăng thông tin tuyển dụng nhân sự làm việc tại Hà Nội, TP HCM đã làm dấy lên những đồn đoán về việc hãng công nghệ này có thể mở thêm nhà máy tại Việt Nam. "Với tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, việc các công ty Mỹ tìm kiếm một nơi khác để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là dễ hiểu. Việt Nam cũng đã có nhiều công ty sản xuất, gia công linh kiện cho một số sản phẩm của Apple… Với vị trí của Việt Nam và trong bối cảnh hiện nay, có khả năng Apple dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng họ cũng có thể cân nhắc lựa chọn ở một số quốc gia khác" - ông Lê Hoài Quốc nêu quan điểm.
Không ưu đãi theo kiểu "dàn hàng ngang"
Trước thời cơ đón dòng FDI, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, đặt vấn đề: "Một làn sóng tốt có thể đến nhưng chúng ta có gì trong tay để đón nhận? Có sóng mà không bắt được thì cũng uổng phí".
GS Võ Đại Lược góp ý Việt Nam cần có chính sách và cơ chế rõ ràng trong việc tiếp nhận những dòng vốn từ nước ngoài. Trong đó, ông nhấn mạnh không ưu đãi theo kiểu "dàn hàng ngang" với tất cả các dự án FDI; chỉ ưu đãi với DN nào đem công nghệ tốt vào Việt Nam, cam kết chuyển giao công nghệ. Đây là cách Singapore đã thực hiện và Việt Nam nên học tập để không "bóp chết" DN sản xuất trong nước mà vẫn thu hút được dòng vốn chất lượng cao từ châu Âu, Mỹ, loại bỏ dòng vốn xấu từ một số quốc gia khác.
Mặt khác, cũng cần tỉnh táo nhìn nhận rằng không chỉ chúng ta có quyền lựa chọn dòng vốn FDI mà chính các nhà đầu tư có chất lượng cao từ nước ngoài cũng có quyền lựa chọn Việt Nam hay không. Do vậy, chúng ta cần đưa ra được những lợi thế cạnh tranh để chứng minh cho nhà đầu tư nước ngoài thấy lựa chọn Việt Nam là đúng đắn.
GS Võ Đại Lược cho rằng cần giải quyết được một số vấn đề như xây dựng kết cấu hạ tầng cần thiết, tạo điều kiện về địa điểm, đất đai, cung cấp được nguồn lao động đạt tiêu chuẩn... cho nhà đầu tư.
"Quan trọng nhất là có cơ chế chính sách phù hợp. Nếu vẫn tiếp tục chính sách hiện nay là để tỉnh, thành toàn quyền quyết định thu hút FDI sẽ lại xảy ra tình trạng địa phương đua nhau trải thảm đỏ ưu đãi, kéo theo tiêu cực đi kèm, chưa kể chất lượng FDI và công nghệ cũng là một trong những hệ lụy" - GS Lược nói.
Cũng đặt câu hỏi làm sao để không bỏ lỡ cơ hội đón dòng vốn ngoại, ông Nguyễn Văn Bé cho rằng không chỉ Chính phủ mà các KCX-KCN cũng phải chuẩn bị về đất đai, hạ tầng, thủ tục hành chính… để "tiêu hóa" dòng đầu tư mới.
Thực tế, các KCX-KCN tại TP HCM đã có sự chuẩn bị để đón nhận làn sóng mới này. "Nhà xưởng xây sẵn ở KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3... đang tích cực xây dựng, hoàn thiện để đón nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó là nhà xưởng cao tầng để phục vụ cho các DN đầu tư lĩnh vực công nghệ cao" - một đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza) cho hay.
FDI không là tất cả
Không phủ nhận vai trò của FDI đối với tăng trưởng của Việt Nam song chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Trinh cho rằng cần cẩn trọng trong việc tiếp nhận đầu tư, tránh lao vào tận dụng FDI một cách bừa bãi. "Tăng trưởng thu được từ FDI là ngắn hạn và nhất thời. Chúng ta đã có bài học về việc lãng phí đất đai, lao động, không thu được thuế… khi thu hút FDI trước đây" - ông nói và cho rằng để tái khởi động nền kinh tế, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ sản xuất, thương mại đến đầu tư.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/don-lan-song-dau-tu-moi-20200508213108268.htm