Đón làn sóng đầu tư mới
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá hoàn thành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để hoàn thành các mục tiêu, tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến, đón đầu xu hướng đầu tư mới...

Cụm công nghiệp Lương Phú - Tân Đức nằm sát đường Vành đai V, được khởi công đầu quý II.
Hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bám sát các mục tiêu của Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành đã xây dựng chương trình cụ thể nhằm cải thiện chất lượng điều hành, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường đối thoại doanh nghiệp.
Nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian, như: Thủ tục đăng ký doanh nghiệp (DN) từ 3 ngày xuống còn 1-2 ngày; thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 35 ngày xuống còn 25 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày…
Ông Lê Kim Phúc, Giám đốc Sở Tài chính, nhấn mạnh: Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến Đầu tư thực hiện tốt công tác hỗ trợ các DN, nhà đầu tư tìm hiểu về quy trình thủ tục cấp quyết định chủ trương, đăng ký đầu tư, điều chỉnh các nội dung của quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gia hạn quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục về thành lập mới doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký DN…
Sở Tài chính đã xây dựng cơ sở dữ liệu Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên với nhiều thông tin được cập nhật: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; quy hoạch sử dụng đất; vị trí, tính chất ngành nghề, giá thuê đất, điện, nước... danh sách các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp để cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Bên cạnh đó, hằng năm UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đều tổ chức các hội nghị đối thoại với DN để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tín dụng và môi trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Hải Sơn, Phó Đội trưởng Hải quan Thái Nguyên (Chi cục Hải quan Khu vực V), cho biết: Toàn đơn vị đã đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế điện tử và thông quan 24/7. Cơ quan Hải quan cũng ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu với các ngân hàng để triển khai công tác nhờ thu, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc nộp thuế mọi lúc, mọi nơi.
Với tinh thần “sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về mình” của từng sở, ban, ngành, địa phương, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã cải thiện, thu hút đầu tư tốt hơn, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển…

Hải quan Thái Nguyên tạo điều kiện thuận lợi cho DN giải quyết thủ tục hành chính, nộp thuế.
Đón đầu xu hướng đầu tư mới
Xác định tầm quan trọng của thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2025, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2025 và Danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư.
Qua nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đón đầu làn sóng, xu hướng đầu tư mới. Nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh, các DN, tập đoàn đã, đang và có nhu cầu đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh tiếp tục ưu tiên thu hút các nhà đầu tư là các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Úc, Pháp... và Liên minh châu Âu, bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ưu tiên mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin; cụm công nghiệp; dịch vụ, du lịch; khu đô thị, khu dân cư; môi trường; văn hóa xã hội; dược liệu dưới tán rừng.
Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên mời gọi và các dự án, hoạt động liên quan tới chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…
Với những lợi thế về quỹ đất sạch sẵn có tại các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng giao thông kết nối, từ đầu năm đến nay có hàng chục nhà đầu tư đến làm việc với lãnh đạo tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên về xây dựng trung tâm dữ liệu, đầu tư nhà máy sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đến thăm, làm việc tại tiểu bang New South Wales, Australia.
Cùng với xúc tiến đầu tư tại chỗ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thăm và làm việc tại nhiều quốc gia để giới thiệu, quảng bá, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư.
Đầu năm 2025, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên tại Australia về thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, năng lượng sạch. Làm việc tại tiểu bang New South Wales, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng đã chia sẻ về tiềm năng và lợi thế của Thái Nguyên; đồng thời nhấn mạnh mong muốn được kết nối và trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, tạo ra năng lượng sạch, các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế đến Thái Nguyên.
Đại diện chính quyền tiểu bang New South Wales nêu một số gợi ý từ các mô hình cụ thể của tiểu bang đã thành công trong việc tạo nguồn năng lượng sạch và chuyển đổi xanh. Đặc biệt, việc hoạch định chiến lược rất quan trọng, cùng với các chính sách mở để đạt mục tiêu kiến tạo không gian xanh trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển
Với những giải pháp thiết thực trong cải thiện môi trường đầu tư, Thái Nguyên khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển thông qua hệ thống chính sách thuận lợi.
Từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên thành lập mới 3.862 DN (vốn đăng ký 31.896 tỷ đồng), nâng tổng số DN trên địa bàn lên 10.980 (vốn đăng ký 154.000 tỷ đồng); Bắc Kạn (cũ) thành lập mới 375 DN (vốn đăng ký 4.890 tỷ đồng), tổng số DN trên địa bàn hiện có hơn 1.100 (vốn đăng ký 16.600 tỷ đồng).
Kinh tế tập thể phát triển, 5 năm qua tỉnh Thái Nguyên thành lập mới 2 liên hiệp hợp tác xã (HTX) và 455 HTX, nâng tổng số hiện nay lên 7 liên hiệp HTX và 1.221 HTX.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 tăng mạnh, Thái Nguyên đạt khoảng 340 nghìn tỷ đồng (tăng 34% so với giai đoạn trước, bình quân 68 nghìn tỷ đồng/năm); Bắc Kạn đạt trên 34 nghìn tỷ đồng (gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước, bình quân 6,8 nghìn tỷ đồng/năm).
Công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng khá, trong đó ngành công nghiệp là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Thái Nguyên (theo giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 8%/năm; quy mô năm 2025 đạt 1,133 triệu tỷ đồng, dẫn đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; tỉnh Bắc Kạn (cũ), giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10,9%/năm, quy mô đạt 2,2 nghìn tỷ đồng. Thái Nguyên luôn thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư.
Đây là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Thái Nguyên hiện đưa ra các cam kết để thu hút đầu tư: Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin, giải quyết ngay các kiến nghị của DN; hỗ trợ tối đa DN trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là việc cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh cho DN; hỗ trợ DN trong việc đào tạo, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật…
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/don-lan-song-dau-tumoi-f13297b/