Đón làn sóng dịch chuyển đầu tư

Một số doanh nghiệp đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất và đầu tư tại Việt Nam như Google, Microsoft, HP, Dell...

Theo Samsung Việt Nam, trong thời gian tới, xu hướng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do vị thế của Việt Nam được cải thiện trên trường quốc tế sau cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 thật sự hiệu quả; các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết thành công và đã có hiệu lực thi hành. Từ đó, doanh nghiệp (DN) nội địa cũng có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn đa quốc gia.

Thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn

Theo báo cáo chiến lược 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect, Việt Nam đang nổi lên là một trong những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc của các tập đoàn nước ngoài nhờ vị trí địa lý thuận lợi; kiểm soát dịch Covid-19 tốt giúp duy trì được hoạt động sản xuất liên tục… Một số DN đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất và đầu tư tại Việt Nam như Google, Microsoft, HP, Dell…

Các chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định: "Microsoft dự định ra mắt mẫu sản phẩm Surface mới ở Việt Nam, HP và Dell có kế hoạch chuyển giao 30% sản lượng máy tính sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đang đứng đầu danh sách. Sự dịch chuyển của các DN đa quốc gia lớn vào Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp của họ xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Từ đó, hoàn thiện chuỗi giá trị tại Việt Nam". Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2020, tổng FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỉ USD. Vốn FDI giải ngân ước tính đạt 17,2 tỉ USD. Cuối tháng 11, Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Công ty Foxconn (Đài Loan - Trung Quốc) đang chuyển một số dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo yêu cầu của Apple (Mỹ). Cụ thể, Foxconn đang xây dựng các dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook tại nhà máy của họ ở tỉnh Bắc Giang và dự kiến đi vào hoạt động từ giữa năm 2021.

Đánh giá về bức tranh kinh tế 2020 và triển vọng 2021, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng trong năm 2020, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục là khu vực chế biến, chế tạo và xuất khẩu cùng với FDI luôn đóng vai trò quan trọng. Không chỉ đón dòng FDI mới, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cũng không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Samsung Việt Nam cho biết tính đến giữa năm 2020, số vốn đầu tư của Samsung Việt Nam được giải ngân đã lên tới 98% với 17,2 tỉ USD, giải ngân gần như toàn bộ số vốn đầu tư đã cam kết. Sau 12 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV tại Bắc Ninh năm 2008, hiện tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tới trên 17,3 tỉ USD, tăng gần 26 lần với 6 nhà máy và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong đó, SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC ở TP HCM là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất Đông Nam Á… Một trung tâm R&D mới đang được xây dựng tại TP Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người hiện nay lên 3.000 người.

Nhân viên kiểm tra sản phẩm tại nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam. Ảnh: LAM GIANG

Nhân viên kiểm tra sản phẩm tại nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam. Ảnh: LAM GIANG

Hỗ trợ DN Việt tham gia chuỗi cung ứng

Theo Samsung Việt Nam, trước đây tập đoàn này chủ yếu tập trung đầu tư vào dây chuyền sản xuất, trong thời gian tới sẽ mở rộng phạm vi đầu tư với việc thành lập trung tâm R&D, tăng cường hợp tác với các DN Việt, tham gia các dự án cơ sở hạ tầng công cộng…

Việc gia tăng hoạt động sản xuất của các DN FDI ở Việt Nam cũng tạo cơ hội cho nhiều DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng. Năm 2014, có 4 DN cung ứng cấp 1 cho Samsung Việt Nam, đến nay đã có sự gia tăng mạnh mẽ, dự kiến năm 2021 có 50 DN. "Đây là kết quả của quá trình nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các DN tiềm năng của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất. Samsung cũng vừa phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ đào tạo 200 kỹ thuật viên về lĩnh vực khuôn mẫu trong 4 năm (từ năm 2020-2023) nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tự chủ về khuôn mẫu cho các ngành sản xuất cơ bản của Việt Nam" - đại diện Samsung Việt Nam nói.

Đại diện Panasonic Việt Nam cho hay hiện tỉ lệ nội địa hóa trung bình của các công ty Panasonic tại Việt Nam khoảng 51% về số lượng nhà cung cấp và 35% về giá trị đóng góp. Tỉ lệ này đã tăng trong những năm qua và DN này sẽ phối hợp cùng địa phương và các nhà cung cấp để tăng cường năng lực cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Hiện các DN Việt đang cung cấp các sản phẩm ép nhựa, đúc nhôm, cao su và các chi tiết gia công của hàng gia dụng… cho Panasonic.

Theo các tập đoàn đa quốc gia, để tham gia vào chuỗi cung ứng, DN nội địa cần có thái độ cầu thị, tích cực và ý chí quyết tâm để có thể trở thành nhà cung cấp tin cậy, lâu dài. Việc chú trọng vào cải tiến hệ thống quản lý chất lượng và môi trường một cách thực chất, thay vì chỉ vận hành trên giấy tờ, sẽ giúp các DN Việt đi vững trên con đường dài… Để có thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp FDI khác, DN trong nước cần đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, lĩnh vực mới để bắt kịp với sự đa dạng hóa của chuỗi giá trị toàn cầu.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/don-lan-song-dich-chuyen-dau-tu-20201224220545683.htm