Dồn lực cho giải phóng mặt bằng thúc đẩy tiến độ các dự án
Hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng ì ạch tiến độ do phải 'nằm chờ' mặt bằng, kéo theo đó, nguồn vốn đầu tư công cũng rơi vào cảnh khó giải ngân.
Trước thực tế trên, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
* Hàng loạt dự án “nằm chờ” mặt bằng
Tháng 9 vừa qua, công trình Trường THPT Chu Văn An, phường Hóa An, TP.Biên Hòa được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng ngôi trường được hoàn thành xây dựng, đến nay, hạng mục đường dẫn vào trường này vẫn chưa thể thi công. Nguyên nhân là do việc giải phóng mặt bằng cho hạng mục đường dẫn vào trường chưa hoàn thành. Không có mặt bằng nên công trình không thể thi công.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay, trong phương án ban đầu xây dựng Trường THPT Chu Văn An không có hạng mục đường dẫn vào trường. Tuy nhiên, sau đó, hạng mục này được bổ sung thêm vào dự án. Khi thực hiện xây dựng con đường này, có 3 hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa để thực hiện dự án, trong đó có 1 hộ có nhà trên đất và 2 hộ giải tỏa đất.
Lý giải về nguyên nhân khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng cho dự án, ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết, do phát sinh sau nên dự án xây dựng đường vào trường không được cập nhật vào đồ án quy hoạch. Do đó, quá trình thực hiện giải tỏa đối với 3 hộ dân, nhất là hộ dân có xây dựng nhà trên đất gặp nhiều khó khăn. “Hiện chính quyền thành phố đã tiến hành vận động và việc giải phóng mặt bằng cho dự án có thể hoàn thành trong năm nay” - ông Huỳnh Tấn Lộc cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị Sở Tài chính tổng hợp lại những dự án của năm 2019 đã xuất toán và chuyển tiền đền bù nhưng chủ đầu tư không tất toán. Sau đó, yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả lại số tiền thừa.
Không chỉ hạng mục xây dựng đường vào Trường THPT Chu Văn An, hiện nay hàng loạt dự án trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng rơi vào cảnh “chậm tiến độ” vì vướng mặt bằng.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, ngoài những khó khăn do không có sự hợp tác của người dân, việc giải phóng mặt bằng cho các dự án hiện cũng khó thực hiện do vướng các quy định, chính sách. Lấy dẫn chứng cho tình trạng này, ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết, dự án kè gia cố bờ sông Đồng Nai (đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát, phường Thống Nhất đến Nhà máy xử lý nước thải số 2, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) hiện cũng đang rất chậm tiến độ do thiếu mặt bằng thi công. Dự án này có 21 hộ dân phải giải tỏa trắng. Tuy nhiên, trong số này có 17 hộ lâu nay sinh sống trên nhà sàn dọc sông. Những trường hợp này khi thực hiện dự án do nằm trong diện giải tỏa trắng nên phải bố trí tái định cư. Song theo quy định, việc thực hiện tái định cư chỉ áp dụng cho các trường hợp có đất bị giải tỏa trắng, trong khi những hộ này chỉ có nhà mà không có đất. “Chính điều này khiến công tác di dời, giải tỏa để lấy mặt bằng cho dự án gặp khó và kéo dài thời gian”- ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết.
Tương tự, tại các địa phương khác, nhiều dự án cũng đang ở trong tình trạng ì ạch về tiến độ do phải chờ mặt bằng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, năm 2019, đơn vị được giao làm chủ đầu tư 90 dự án bao gồm dự án chuyển tiếp từ năm 2018 và dự án khởi công mới thuộc 8 lĩnh vực gồm: giao thông, hạ tầng công cộng, quản lý nhà nước, nông - lâm - thủy lợi, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, giáo dục và y tế. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các dự án đang trong tình trạng chậm tiến độ do vướng mặt bằng. “Có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nhưng nổi bật nhất vẫn là không có mặt bằng để thi công” - ông Lê Quang Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhấn mạnh.
* Không để rơi vào thế bị động
Trước tình trạng chậm tiến độ hàng loạt dự án, nhiều địa phương hiện đang tích cực triển khai các biện pháp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng tuyến đường 319 đã gần hoàn thành. Thông qua công tác vận động, các hộ dân nằm trong diện di dời, giải tỏa phục vụ dự án đều đã đồng ý tự tháo dỡ các công trình để bàn giao mặt bằng.
“Công tác vận động vẫn là chính, với những trường hợp chây lì huyện sẽ tiến hành cưỡng chế. Hiện huyện đang hoàn tất hồ sơ để thực hiện cưỡng chế với 2 hộ dân đầu tuyến của dự án tuyến thoát nước từ khu công nghiệp ra rạch Bà Ký để đơn vị thi công thực hiện xây dựng” - bà Nguyễn Thị Giang Hương cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, nhiều công trình do vướng mặt bằng nên tiến độ thi công bị chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Do đó, thời gian tới các địa phương và các cơ quan chức năng phải tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án của năm 2019, do thời gian không còn dài nên phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án. Đồng thời cần có sự chuẩn bị kỹ cho các dự án của năm 2020 để tránh bị động. “Phải phối hợp thực hiện ngay từ đầu đối với công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án rút kinh nghiệm từ thực tế khó khăn thời gian qua” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Do đó, các địa phương tự rà soát những khu vực có dự án lớn và dự kiến sẽ có dự án trong thời gian tới để chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, phải chú ý đến công tác tái định cư cho người dân nằm trong diện di dời, giải tỏa. Các địa phương phải xem xét quỹ đất, vị trí nào có khả năng bố trí tái định cư thì đề xuất dự án tái định cư ngay. “Kinh phí để xây dựng các khu tái định cư UBND sẽ cho mượn, địa phương hoàn trả khi bố trí người dân vào ở từ nguồn thu sử dụng đất tái định cư. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phải có danh sách đăng ký các dự án trong năm 2020 gửi các địa phương để chủ động” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu.