Dồn lực để Mường Lát thoát nghèo: Gần hơn với miền xuôi
Để người dân có thu nhập đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát đã hình thành nhiều mô hình hiệu quả, bền vững
Qua 2 năm triển khai Nghị quyết 11, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện Mường Lát đã có những thay đổi rõ rệt, từng bước giúp huyện biên giới này hiện thực hóa Nghị quyết 11, sớm đưa Mường Lát thoát nghèo.
Nhiều mô hình hay, hiệu quả
Ông Triệu Minh Xiết, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cho biết Nghị quyết số 11 đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để Mường Lát thoát nghèo. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng là tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cho nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, hai là tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân.
"Hai nhiệm vụ, giải pháp này, cùng với các nhiệm vụ khác, thì Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện. Qua 2 năm triển khai, Nghị quyết 11 đã thực sự lan tỏa, có nhiều mô hình cây, con mang lại hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân"- ông Xiết khẳng định.
Trong đó, năm 2023, mô hình trồng cây sắn đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, giúp nhiều hộ dân ở Mường Lát vươn lên thoát nghèo, có những hộ thu được 300 triệu đồng từ bán sắn. Riêng năm 2023, toàn huyện Mường Lát thu được hơn 100 tỉ đồng từ mô hình trồng sắn. Mường Lát cũng đã khoanh vùng, tích tụ các khu ruộng nước để thâm canh trồng lúa nước, tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm lúa nếp Cay Nọi (sản phẩm OCOP 3 sao).
Ngoài cây sắn, lúa nước, Mường Lát cũng tập trung khoanh vùng trồng cây cam Lào, một giống cây hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho quả rất ngọt, mọng nước, có giá trị kinh tế. Các xã có diện tích lớn như: Quang Chiểu, Mường Chanh... Chăn nuôi cũng đã hình thành nhiều mô hình hiệu quả, trong đó huyện hướng người dân chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn cắp nách, các con đặc sản... là thế mạnh của địa phương.
Về công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Mường Chanh là điểm sáng của Mường Lát trong những năm qua. Từ một xã nghèo, xa xôi nhất huyện, tới nay Mường Chanh đã có một diện mạo mới, đời sống - xã hội được nâng lên rõ rệt.
Ông Lục Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh, cho biết xã có trên 800 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Khơ Mú, Kinh, Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 90% dân số. Mường Chanh là xã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến chỉ đạo xây dựng "xã điểm" thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới nhân chuyến thăm và làm việc tại huyện Mường Lát tháng 9-2011.
Trong 12 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều nguồn lực đã được hỗ trợ cho Mường Chanh phát triển. Đến nay, Mường Chanh đã hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực đầu tư được gần 200 tỉ đồng. Từ nguồn vốn trên, xã đã tổ chức xây dựng nhiều hạng mục công trình quan trọng, như: Công sở xã, trạm y tế, nhà văn hóa bản; chỉnh trang, xây mới, cải tạo, nâng cấp các điểm trường; xây hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình điện...
"Để người dân thoát nghèo bền vững, xã đã xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, như: Nuôi bò sinh sản, trồng rừng tập trung, cây ăn quả, trồng măng bát độ... Thông qua các mô hình đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả. Trong 2 năm 2023 và 2024, toàn xã có hơn 100 hộ dân làm đơn xin thoát nghèo"- ông Tâm chia sẻ.
Tạo sinh kế bền vững
Theo ông Triệu Minh Xiết, để Mường Lát thay đổi, phát triển bền vững, cần có định hướng khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật... vào nuôi trồng, sản xuất.
"Mục tiêu tới năm 2030 đưa Mường Lát thoát nghèo đang còn rất nhiều việc phải làm, nhưng khó mấy cũng phải làm. Nghị quyết 11 là cơ hội lớn để chúng tôi xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại trong nhân dân. Các chính sách hỗ trợ chỉ giúp dân không bị đói, đứt bữa, còn muốn vươn lên làm giàu thì phải tự mình nỗ lực. Thay vì cho bát cơm như trước đây, giờ phải cho người dân cách làm để tạo ra nhiều bát cơm"- ông Xiết nói.
Cũng theo ông Xiết, hiện kết quả xây dựng bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa của huyện đã được thực hiện. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng để huyện Mường Lát làm cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm ứng dụng vào sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế, xã hội của huyện.
Ngoài cây sắn, hiện Mường Lát đang triển khai thêm 4 loại cây trồng được xác định là chủ lực trong tương lai, mang tính bền vững, đó là trồng cây trẩu lấy hạt, trồng măng bát độ, cây bồ đề lấy nhựa và cây quế. "Đây đều là những loại cây hợp với thổ nhưỡng của Mường Lát, đồng thời đều có tính năng phòng hộ cao, thị trường bao tiêu tốt. Trong đó, cây trẩu lấy hạt có giá bán rất cao; cây măng bát độ ngoài lấy măng, lá cũng được thu mua để làm thủ công mỹ nghệ"- ông Xiết nói.
Mường Lát cũng tập trung phát triển chăn nuôi. Ngoài những chương trình đã và đang triển khai, huyện cũng phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn, các tổ chức... đưa nhiều mô hình mới vào nuôi trồng như: mô hình nuôi vịt siêu đẻ, nuôi ếch thương phẩm ở xã Mường Chanh, mô hình chăn nuôi bò sinh sản giống địa phương theo hình thức "ngân hàng bò"; mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả; mô hình trồng dưa hấu... góp phần giúp bà con vươn lên trong cuộc sống.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cũng cho biết xuất khẩu lao động là một trong những mục tiêu mà huyện hướng tới trong những năm qua, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có kinh tế bền vững. Trong đó, xã Quang Chiểu và Mường Chanh là những địa phương có người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất, mỗi năm con em gửi về hàng chục tỉ đồng.
Hoàn thành ước nguyện của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sau gần 3 nhiệm kỳ (từ năm 2011-2024) nỗ lực phấn đấu, đến nay xã Mường Chanh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí để trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Mường Lát. Đây là xã biên giới xa nhất huyện Mường Lát, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và làm việc vào tháng 9-2011. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao xây dựng Mường Chanh thành xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng NTM của huyện.
Tuy nhiên, dù đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Mường Chanh thành xã điểm thoát nghèo trong thời gian sớm nhất, thế nhưng do nhiều yếu tố khách quan mà tới nay mục tiêu đó mới hoàn thành như ước nguyện của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời.