Dồn lực để tăng tốc phục hồi kinh tế, xã hội

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, 9 tháng qua, cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực tập trung thực hiện 'mục tiêu kép' vừa áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần 'Chống dịch như chống giặc' đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến thời điểm này, tỉnh ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đó là cơ hội, động lực để tập trung các nguồn lực cho phục hồi kinh tế, xã hội, bảo đảm cuộc sống của nhân dân.

Ca sản xuất tại Công ty cổ phần may Phù Yên.

Ca sản xuất tại Công ty cổ phần may Phù Yên.

Ảnh: Ngọc Thuấn

Nhìn lại 9 tháng, tuy khó khăn do đại dịch nhưng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 5,47%. Dẫu chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng dự kiến đề ra 8,5% nhưng so với mặt bằng chung của cả nước vẫn là tín hiệu đáng mừng. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 7,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 4,45% (trong đó công nghiệp đạt 7,18%); khu vực dịch vụ 4,99%.

Các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đạt kết quả. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu 9 tháng đạt 112,13 triệu USD, tăng 33,39% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt 102,24 triệu USD, tăng 32,9%. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, toàn tỉnh có 3.018 doanh nghiệp, 733 hợp tác xã, 6 liên hiệp hợp tác xã. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 2.793 tỷ đồng, bằng 64,8% kế hoạch vốn giao.

Các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế từng bước được duy trì. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thực hiện tốt phương châm “thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”. Đời sống nhân dân ổn định, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; hỗ trợ cho 20.622 người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch với số tiền gần 11 tỷ đồng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững; quan hệ hợp tác quốc tế được duy trì, củng cố, tăng cường.

Nhà máy gạch Mường Bon (Mai Sơn) ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Nhà máy gạch Mường Bon (Mai Sơn) ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Ảnh: Ngọc Thuấn

Nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện lập Đồ án quy hoạch tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các Đồ án quy hoạch xây dựng vùng; lập quy hoạch chung đô thị Mộc Châu đến năm 2040. Triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025; xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025; tập trung phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I và phát triển xanh, nhanh, bền vững; về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025,

Tăng cường quản lý, điều hành dự toán ngân sách hiệu quả, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi ngân sách để bảo đảm kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiêu thụ, nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ, chế biến các mặt hàng, sản phẩm nông sản của tỉnh trong và ngoài nước. Xây dựng phương án bảo đảm cho hoạt động của các ngân hàng an toàn, liên tục, thông suốt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tháo gỡ khó khăn, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công trình, dự án trọng điểm. Chú trọng thu hút đầu tư, huy động tối đa các các nguồn lực, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án. Dồn lực phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Thực hiện các giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất an toàn; mở rộng các chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch với phương châm “thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”.

Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch, dồn lực để phục hồi phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Minh Khánh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/don-luc-de-tang-toc-phuc-hoi-kinh-te-xa-hoi-43974