Dồn lực đột phá kết cấu hạ tầng giao thông
Khi công tác thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dần khép lại, cũng là lúc các cán bộ, kỹ sư giao thông bắt tay triển khai một loạt công trình quy mô lớn khác nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho người dân mọi miền Tổ quốc.
Bước nước rút trên công trường
Sau 4 tháng bám công trường thi công 24/24h, trong đó có nhiều đêm thức trắng, Kỹ sư Hoàng Nghĩa Việt, Phó giám đốc Ban Điều hành Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải - GTVT) thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vừa tự thưởng cho mình bằng một buổi ra ngoài công trường để “tút tát lại nhan sắc” chuẩn bị buổi lễ khánh thành công trình vào ngày 29/4/2023.
Mặc dù đã có gần 30 năm theo nghề “lục lộ”, làm đủ mọi vị trí công tác trong công trường xây dựng giao thông, kinh qua nhiều công trình lớn, nhưng chuỗi 120 ngày chạy đua nước rút tại Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây vẫn là “một trận đánh lớn và khó khăn nhất” trong cuộc đời làm nghề của kỹ sư Việt, bởi quá trình triển khai dự án này hội tụ tất cả những khó khăn cực điểm của ngành xây dựng hạ tầng.
Từ việc khan hiếm vật liệu thông thường như đất đắp, đá, cát; ảnh hưởng của Covid-19; biến động giá vật liệu xây dựng… đến tình trạng khan hiếm xăng dầu đã khiến các nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đều “lĩnh đủ và lĩnh rất sâu”.
Đặc biệt, trong các năm 2021, 2022, thời tiết khu vực các dự án diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Cứ sau mỗi ngày mưa, là các đơn vị thi công lại phải chờ tối thiểu 3 ngày chờ nền đường khô ráo.
Những yếu tố bất lợi nói trên đã bào mòn nền tài chính của các nhà thầu. Tính toán sơ bộ, trung bình mỗi nhà thầu đã lỗ 15 - 20% giá trị gói thầu, dự báo sẽ còn tăng lên do phải dồn, bổ sung nhân lực thiết bị kịp với kế hoạch thông xe.
Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan như vậy, để thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền của Bộ; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc cho Dự án.
Có một điểm tựa quan trọng cho Dự án là, trong suốt quá trình triển khai xây dựng, nhất là tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ; sự đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của người dân vùng Dự án.
“Các chuyến kiểm tra hiện trường thường xuyên, trong đó có chuyến kiểm tra xuyên Việt, xuyên Tết trong các năm 2022 và chuyến kiểm tra sau Tết năm 2023 của Thủ tướng và tại các kỳ họp của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và tạo ra những khí thế, quyết tâm trong các đơn vị thi công công trình. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng liên tục bám sát các công trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Bước ngoặt đối với Dự án là khi hai nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc được Chính phủ ban hành đã rút ngắn thời gian thực hiện từ hơn 1,5 - 2 năm, xuống còn khoảng 6 - 8 tháng.
Với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh”, đến tháng 9/2022, Bộ GTVT đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm” để các ban quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu để đảm bảo việc hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng: trong đó các dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành vào ngày 30/4/2023.
Để hoàn thành các mục tiêu nói trên, lãnh đạo cao nhất của các nhà thầu được yêu cầu có mặt tại hiện trường, đặc biệt là các gói thầu là đường găng tiến độ. Ngoài nhiệm vụ duy trì dòng tiền đổ vào các gói thầu đang trong giai đoạn thi công nước rút theo yêu cầu của Bộ GTVT, nhiều lãnh đạo cao nhất nhà thầu còn trực tiếp chăm lo bữa ăn giữa ca trên mặt đường cho các công nhân; rút tiền thưởng nóng cho các mũi thi công có tiến độ tốt.
Tại Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, tổng nhân sự tham gia Dự án luôn duy trì từ 1.700 - 2.000 người; thời điểm huy động cao nhất gồm khoảng 2.000 nhân sự, 835 đầu máy, thiết bị. Tại Dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tổng nhân sự tham gia dự án là 400 người; thời điểm huy động cao nhất gồm 1.500 nhân sự, 900 đầu máy thiết bị.
Những điểm tựa quý giá
Có lẽ, chính thế chân tường đã phần nào tạo nên những động lực giúp nhiều nhà thầu, chủ đầu tư vượt qua những giới hạn của bản thân để hoàn thành công trình.
Ý thức danh dự, niềm tự trọng nghề nghiệp và cả tương lai công việc phía trước đã trở thành lực đẩy các nhà thầu vượt qua khó khăn. Nhiều nhà thầu đã phải bán đất, cầm cố tài sản để “quyết một lần chơi lớn”, chấp nhận bỏ chữ “lợi”, giữ chữ “tín”, chữ “danh” trong nghề.
Tính đến cuối tháng 4/2023, Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến đảm bảo thông xe trên chính tuyến vào ngày 29/4/2023 như yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp góp phần nâng tổng số km đường cao tốc thuộc trục Bắc Nam lên 800 km so với giai đoạn trước năm 2020 là 400 km.
“Hai dự án khánh thành vào ngày 29/4 có ý nghĩa rất lớn với các tỉnh Thanh Hóa và Bình Thuận. Từ nay, thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến Thanh Hóa cũng như TP.HCM - Bình Thuận giảm đáng kể, chất lượng khai thác được nâng cao. Việc khánh thành vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ tạo điều kiện cho nhân dân có thêm một lựa chọn di chuyển đến các điểm du lịch của Thanh Hóa, Bình Thuận, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch sau ảnh hưởng của Covid- 19”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Tư lệnh ngành GTVT cho biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai, dự kiến đến ngày 19/5/2023 sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2023 khánh thành thêm 5 đoạn, với tổng chiều dài 173 km; đến năm 2024 sẽ hoàn thành 2 đoạn với tổng chiều dài 128 km.
Dự kiến đến năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Cùng với một số dự án khác được hoàn thành sẽ nâng tổng số chiều dài cao tốc của cả nước tăng lên gần 3.000 km, tiến tới mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông, hình thành 5.000 km cao tốc trên cả nước vào năm 2030.
Khi công tác thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dần khép lại, cũng là lúc các cán bộ, kỹ sư giao thông bắt tay trực tiếp triển khai hoặc phối hợp với các địa phương triên khai một loạt các công trình quy mô lớn khác để sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho người dân mọi miền Tổ quốc.
Trong danh mục 18 dự án thuộc diện quản lý của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, có rất nhiều công trình đường cao tốc, đường vành đai quy mô lớn, trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tất cả đều phục vụ cho mục tiêu được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc; đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông”.
Đây là sự quan tâm ưu tiên đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ đã khi đã dành nguồn lực lớn để đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm, cân bằng giữa các vùng miền và tập trung vào các tuyến cao tốc quan trọng, xương sống có tác dụng lan tỏa như cao tốc Bắc - Nam, các trục cao tốc Đông Tây và các đường vành đai của thành phố lớn.
“Những dự án này đều không dễ dàng thực hiện nhưng quá trình triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam vừa là động lực, vừa cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu trong điều hành dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá..
Danh mục 18 dự án thuộc diện quản lý của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia:
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025
Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Đường Vành đai 3 - TP.HCM
Đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Sơn La
Đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ
Đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành
Đường Hồ Chí Minh
Đường sắt đô thị TP. Hà Nội
Đường sắt đô thị TP.HCM
Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-luc-dot-pha-ket-cau-ha-tang-giao-thong-d188812.html