Dồn lực đưa cuộc sống trở lại bình thường sau bão

Bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh và gây thiệt hại rất nặng nề đến diện tích nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, nhà cửa, trụ sở, các công trình điện, cây xanh... trên địa bàn. Thời điểm này, công cuộc tái thiết sau bão đang được cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn thị xã tập trung dồn lực, tranh thủ từng phút từng giờ để sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng động viên gia đình ông Nguyễn Văn Hải (thôn 16, xã Hiệp Hòa) bị sập nhà do bão số 3. Ảnh: Phong Nam

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng động viên gia đình ông Nguyễn Văn Hải (thôn 16, xã Hiệp Hòa) bị sập nhà do bão số 3. Ảnh: Phong Nam

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo địa phương và thăm hỏi, động viên các đơn vị, người dân bị ảnh hưởng do bão số 3 tại thị xã mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có thị xã Quảng Yên trong công tác khắc phục thiệt hại do bão gây ra để nhanh chóng phục hồi, tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Ước thiệt hại lên đến hơn 2.305 tỷ đồng

Theo thống kê sơ bộ của thị xã cho thấy, đến ngày 13.9, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn ước tính trên 2.305 tỷ đồng. Cụ thể, đã có trên 25.000 nhà dân bị tốc mái, 128 nhà bị đổ sập. Ước thiệt hại tài sản về nhà cửa, lúa, hoa màu, vật nuôi, thủy sản... gần 2.100 tỷ đồng. Các công trình, tài sản công ước thiệt hại trên 218 tỷ đồng. Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo thị xã ghi nhận 55 trường học và trụ sở Phòng Giáo dục - Đào tạo bị hư hỏng; hệ thống 19 trạm y tế xã, phường đều bị hư hỏng với mức độ khác nhau. Hơn 500 cột điện bị gãy đổ; mạng lưới viễn thông bị ảnh hưởng nặng; hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã bị hư hại trên diện rộng.

Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác, Bí thư Thị ủy Quảng Yên Cao Ngọc Tuấn cho biết: ngay sau khi cơn bão đi qua, thị xã đã huy động trên 2.000 người thuộc các lực lượng tại chỗ của các phường, xã và đơn vị lực lượng vũ trang, cùng trên 100 phương tiện, máy móc tham gia công tác dọn cây xanh gãy đổ, tháo dỡ vật cản trên các tuyến đường. Trong ngày 10.9 vừa qua, 100% tuyến giao thông đã được thông suốt. Các lực lượng tiếp tục thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhà dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống. Thị xã cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khôi phục lại hoạt động của hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố về điện, viễn thông, nước sinh hoạt…

Theo Bí thư Thị ủy Cao Ngọc Tuấn, nguồn lực khắc phục hậu quả sau bão được thị xã ưu tiên cho các trường học, hệ thống y tế và thăm hỏi, động viên các hộ gia đình chính sách, các gia đình thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình bị sập đổ nhà do bão. Hiện, thị xã cũng đang tập trung nghiên cứu các quy định của Trung ương, đưa ra các tiêu chí, đối tượng hỗ trợ, công khai, giám sát việc thực hiện hỗ trợ với các đối tượng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thị xã đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tình hình mưa lũ và khả năng ảnh hưởng đến tuyến đê biển trên địa bàn. Qua đó, dự báo tình hình để chuẩn bị các phương án sẵn sàng trước các tình huống phát sinh liên quan đến mưa bão, thiên tai.

Mục tiêu cao nhất là ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân

Qua trao đổi với lãnh đạo thị xã Quảng Yên, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực thực hiện “4 tại chỗ” của tỉnh Quảng Ninh nói chung, thị xã nói riêng trong ứng phó và khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại của bão… Nhấn mạnh sự khắc nghiệt, cùng những biến đổi bất thường của khí hậu hiện nay, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý, yêu cầu đặt ra với cả hệ thống chính trị thị xã là không được chủ quan, lơ là.

Quảng Yên với đặc thù của một địa phương ven biển thì việc quan tâm bảo vệ hệ thống đê biển; sẵn sàng các phương án, xử lý các tình huống có thể xảy ra và tính toán phương án, giải pháp khắc phục lâu dài, trong đó có công tác phòng, chống vô cùng quan trọng. Để làm được điều này cần nhận thức rõ và kiểm soát chặt các nguy cơ thiên tai, để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa cho công tác tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về công tác phòng, chống. Đồng thời, phải đánh giá lại các công trình xây dựng bảo đảm khả năng ứng phó với các cơn bão lớn với cường độ mạnh…

Để sớm khắc phục hậu quả sau bão, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần rà soát, đánh giá đúng sát tình hình; sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại chỗ và huy động nguồn lực xã hội. Việc sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của các cấp ngành cùng sự chung tay, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân dành cho các hộ gia đình, các đơn vị bị thiệt hại nặng do bão số 3 gây ra sẽ càng khẳng định niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền. Đồng thời, thấy rõ được sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương vì mục tiêu quan trọng, cuối cùng là làm sao để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Sự ghi nhận của Nhân dân chính là minh chứng rõ nét nhất về những bài học, mô hình, cách làm hiệu quả tỉnh Quảng Ninh nói chung, thị xã Quảng Yên nói riêng đã triển khai trong công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt...

Mạnh Tuân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/don-luc-dua-cuoc-song-tro-lai-binh-thuong-sau-bao-post390382.html