Dồn lực hỗ trợ người dân 'lên đời' 4G trước thời điểm tắt sóng 2G

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về lộ trình tắt sóng 2G, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tăng cường giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi từ thiết bị 2G lên thiết bị 4G.

Toàn tỉnh hiện có trên 970.000 thuê bao di động đang hoạt động. Theo kế hoạch, từ ngày 16/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tiến hành tắt sóng 2G trên phạm vi cả nước. Vì vậy, những thiết bị di động chỉ sử dụng sóng 2G sẽ không hoạt động được. Từ đầu năm 2024 đến nay, các nhà mạng đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để triển khai tuyên truyền, tiếp cận và hỗ trợ người dân chuyển đổi từ thiết bị sử dụng sóng 2G lên thiết bị di động sử dụng sóng 4G.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Từ năm 2022, Sở TT&TT đã đề ra kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình tắt sóng 2G trên địa bàn cả nước. Mặc dù vậy, tại thời điểm cuối năm 2023, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 100.000 thuê bao 2G only (thiết bị di động chỉ sử dụng sóng 2G) đang hoạt động cần chuyển đổi lên 4G. Bên cạnh đó, trong năm 2023, tiến độ thực hiện chuyển đổi các thuê bao 2G lên 4G chưa đảm bảo theo kế hoạch mà các nhà mạng đề ra. Đơn cử như đơn vị chiếm thị phần lớn nhất tỉnh về thuê bao di động là Viettel Lạng Sơn, trong năm 2023, trung bình đơn vị chỉ chuyển đổi được 2.000 thuê bao/tháng.

Nhân viên Viettel Lạng Sơn hỗ trợ người dân tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định chuyển đổi từ thiết bị 2G lên 4G

Nhân viên Viettel Lạng Sơn hỗ trợ người dân tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định chuyển đổi từ thiết bị 2G lên 4G

Theo đánh giá từ các nhà mạng trên địa bàn tỉnh như Viettel, VNPT, MobiFone, việc triển khai kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G gặp nhiều khó khăn như: khách hàng sử dụng 2G chủ yếu là người dân vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn; nhiều khách hàng là người cao tuổi, kỹ năng sử dụng các thiết bị di động thông minh (smartphone) còn hạn chế nên ngại chuyển đổi thiết bị; công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên nhưng chưa đến được từng đối tượng...

Trước thực tế trên, ngay từ đầu năm 2024, Sở TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị viễn thông tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai lộ trình tắt sóng 2G. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, hỗ trợ người đang sử dụng thiết bị 2G only để người dân nắm được chủ trương và chủ động chuyển đổi lên thiết bị 4G.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh huy động sự vào cuộc của các tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo 100% người đang sử dụng thiết bị 2G only đều nắm bắt được chủ trương. Cùng đó, triển khai các giải pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông như hệ thống loa truyền thanh xã, thôn, khối phố. Sở cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với nhau xây dựng chung một tờ rơi hướng dẫn chuyển đổi thiết bị cũng như những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi thiết bị 2G lên 4G của các nhà mạng phát tận tay người dân để họ nghiên cứu, cân nhắc sử dụng dịch vụ.

Ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết: Viettel Lạng Sơn đã và đang tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tuyên truyền mạnh mẽ trên hệ thống loa truyền thanh đến từng xã, thôn, khối phố. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để rà soát, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi; thực hiện gửi tin nhắn đến các thuê bao 2G về kế hoạch thực hiện chuyển đổi thiết bị nhằm triển khai lộ trình tắt sóng 2G đảm bảo theo thời gian đề ra.

Cùng với Viettel Lạng Sơn, các đơn vị khác như VNPT, MobiFone đã tổ chức tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức như: hệ thống băng rôn tại các đường phố, khu dân cư; điểm giao dịch tại các huyện, thành phố; phối hợp với các tổ công nghệ số cộng đồng. Bên cạnh đó, các nhà mạng trực tiếp gọi điện thông báo cho từng khách hàng về chủ trương tắt sóng 2G của Bộ TT&TT, đồng thời hướng dẫn người dân chuyển đổi thiết bị thích hợp.

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, các doanh nghiệp viễn thông đã huy động tối đa nguồn lực để triển khai hỗ trợ khách hàng sử dụng thiết bị 2G only chuyển sang 4G. Đồng thời, đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi thiết bị.

Theo ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn, đơn vị đã tổ chức 16 đội nhân viên đi đến từng xã để trực tiếp hỗ trợ người dân chuyển đổi sang thiết bị 4G. Đồng thời, triển khai chính sách trợ giá cho người chuyển đổi thiết bị từ 2G lên 4G khi cam kết sử dụng dịch vụ của Viettel Lạng Sơn.

Cụ thể, người dùng được miễn phí điện thoại thông minh 4G khi đăng ký gói cước Viettel kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trường hợp không lựa chọn dùng gói cước, khách hàng được giảm giá tới 50% khi mua một số dòng máy điện thoại thông thường sử dụng băng tần công nghệ 4G với mức giá sau giảm chỉ còn 195.000 đồng/máy.

Với các giải pháp trên, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Viettel Lạng Sơn đã hỗ trợ chuyển đổi trên 40.000 thuê bao từ 2G lên 4G (gấp 2 lần so với cả năm 2023). Hiện tại, đơn vị còn khoảng 33.000 thuê bao 2G cần chuyển đổi.

Tương tự, VNPT Lạng Sơn, Mobifone cũng đã tập trung triển khai các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích chuyển đổi từ 2G lên 4G.

Bà Vũ Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Lạng Sơn cho biết: Đơn vị đang triển khai chính sách trợ giá từ 50 - 100% cho các khách hàng đổi từ thiết bị 2G lên 4G. Bên cạnh đó, các khách hàng chuyển đổi sẽ có thể sử dụng các gói data 3G, 4G của VinaPhone miễn phí hoặc với mức ưu đãi cao. Từ đó, khách hàng sẽ dễ dàng truy cập đường truyền Internet di động tốc độ cao trên các dòng máy smartphone để phục vụ cho nhu cầu làm việc, học tập, giải trí. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã chuyển đổi được hơn 10.000 thuê bao, hiện còn trên 5.800 thuê bao cần chuyển đổi.

Với các khách hàng chuyển đổi từ thiết bị 2G lên 4G, ngay sau khi nhận máy, các đơn vị đã phối hợp với các tổ công nghệ số cộng đồng và chính quyền cơ sở tập trung hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị cũng như các tiện ích sử dụng tài nguyên mạng 4G. Chị Đàm Thị Vân, người dân tại thôn Nà Đon, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định chia sẻ: Sau khi được tư vấn từ đội ngũ nhân viên Viettel, tôi đã đổi điện thoại 2G sang điện thoại 4G và đăng ký gói cước 4G với kỳ hạn trên 6 tháng. Sau khi nhận máy, tôi được nhân viên hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng và đã có thể truy cập, trải nghiệm một số dịch vụ, ứng dụng trên nền tảng 4G.

Với các giải pháp đồng bộ, trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị viễn thông trên địa bàn đã thực hiện chuyển đổi khoảng 50.000 thuê bao 2G sang 4G. Đến nay toàn tỉnh còn gần 40.000 thuê bao sử dụng điện thoại 2G only rải rác tại tất cả các huyện, thành phố, chiếm khoảng 4% tổng số thuê bao trên địa bàn tỉnh.

Do đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi thiết bị 2G lên 4G nên hiện nay các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn vì nguồn cung thiết bị điện thoại di động 4G. Vì vậy, các doanh nghiệp đã kiến nghị Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh vận động, kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp, phân phối thiết bị vào cuộc để đảm bảo về nguồn máy.

Mục đích của việc tắt sóng 2G là để giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ chuyển sang các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn, cung cấp các dịch vụ tốt hơn, với nhiều tiện ích như: dịch vụ hành chính công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận thông tin qua các ứng dụng khi truy cập internet; đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác. Tin rằng với những nỗ lực của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng như sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân, từ nay đến 15/9/2024, Lạng Sơn sẽ hoàn thành chuyển đổi thiết bị 2G sang 4G.

GIA KHÁNH - HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/don-luc-ho-tro-nguoi-dan-len-doi-4g-truoc-thoi-diem-tat-song-2g-5016673.html