Dồn lực lấy nước gieo cấy lúa xuân
Hôm nay (1-2) là ngày đầu tiên của đợt lấy nước thứ hai và cũng là đợt cuối cùng điều tiết nước hồ thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2023. Để bảo đảm đủ nước gieo cấy đúng khung thời vụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang dồn lực lấy đủ nước cho gần 50% diện tích canh tác còn lại.
Gần 50% diện tích chưa có nước
Chỉ còn 3 ngày nữa, thời tiết Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc sẽ bước vào thời kỳ lập xuân (từ ngày 4-2), chính vụ gieo cấy lúa xuân 2023. Tuy nhiên, quan sát trên nhiều xứ đồng thuộc các huyện: Sóc Sơn, Gia Lâm, Ba Vì, Phúc Thọ..., phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp khô trắng, chưa có nước đổ ải. Người dân các địa phương nêu trên rất mong cơ quan chức năng của thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp nước để gieo cấy lúa xuân đúng khung thời vụ...
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, tính đến 7h ngày 31-1, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã cấp đủ nước cho 41.119ha, tương ứng 50,68% tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân 2023. Với kết quả này, Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ diện tích được cấp đủ nước gieo cấy đạt thấp nhất khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Trao đổi về nội dung trên, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do mực nước sông Hồng, sông Đà những ngày trước, trong và sau đợt một điều tiết nước hồ thủy điện không đạt yêu cầu vận hành nhiều công trình thủy lợi lớn, như các cống: Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) và các trạm bơm cố định: Trung Hà (huyện Ba Vì), Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Xuân Phú (huyện Phúc Thọ). Thêm nữa, trong đợt một lấy nước, nông dân các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức... chưa thu hoạch xong rau màu, hoa, cây cảnh canh tác trên đất trồng lúa. Vì vậy, các tổ chức thủy lợi lấy nước sông nhưng chủ yếu tích trữ trên hệ thống, không thể đưa nước lên mặt ruộng...
Để cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích còn lại, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đề nghị Tổng cục Thủy lợi báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét chỉ đạo đơn vị liên quan có giải pháp nâng cao mực nước sông trong đợt điều tiết nước thứ hai, bảo đảm điều kiện vận hành công trình lấy nước...
Sẵn sàng vận hành tối đa công trình lấy nước
Theo kế hoạch lấy nước của Bộ NN&PTNT, từ 0h ngày 1-2 đến 24h ngày 8-2, các nhà máy thủy điện sẽ tăng cường phát điện với công suất tối đa để bổ sung nguồn nước cho các sông: Hồng, Đà, Đuống. Trong thời gian này, dự kiến dòng chảy sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn quận Long Biên) sẽ được duy trì trung bình ở mức 1,8-1,9m. Để sử dụng hiệu quả nguồn nước này, các tổ chức thủy lợi đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố Hà Nội: Hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng công trình lấy nước; chuẩn bị đủ máy móc, nhiên liệu, sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến lấy nước ở mực nước thấp; huy động 100% lực lượng trực gác, điều hành bơm nước linh hoạt theo tình hình nguồn nước thực tế...
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, trong trường hợp mực nước sông Đà tiếp tục không đạt cao trình vận hành Trạm bơm Trung Hà, công ty sẽ triển khai phương án điều tiết nguồn nước hồ Suối Hai để cấp cho hơn 3.235ha của huyện Ba Vì...
Còn theo Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn, công ty đã lắp đặt 41 tổ máy bơm dã chiến các loại, nạo vét hơn 21.000m3 bùn cát bồi lắng tại các bể hút, kênh dẫn, sẵn sàng vận hành tối đa trạm bơm khi mực nước sông dâng cao...
Các huyện thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước, như: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất... đã tăng cường thông tin cho người dân biết về lịch lấy nước để chủ động đưa nước vào ruộng; ra quân giải tỏa các vi phạm pháp luật về thủy lợi gây ách tắc dòng chảy...
Đánh giá cao công tác chuẩn bị lấy nước đợt hai, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đề nghị, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố bố trí đầy đủ lực lượng, theo dõi chặt chẽ nguồn nước, vận hành tối đa công trình khi mực nước sông đạt cao trình cho phép; thường xuyên kiểm tra bờ vùng, bờ thửa, không để rò rỉ, thất thoát nước... Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường vận động, đôn đốc nông dân khẩn trương thu hoạch rau màu, đưa nước lên ruộng, kịp thời làm đất, gieo cấy lúa theo đúng kế hoạch, trong khung thời vụ tốt nhất; bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, chuyển đổi sang cây trồng sử dụng ít nước tưới hơn đối với những vùng thường xuyên thiếu nước...
Với sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương, hy vọng những khó khăn về nước tưới vụ xuân 2023 sẽ được khắc phục, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm, chủ động sản xuất đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, để thích ứng tình trạng nước sông ngày càng hạ thấp, giảm phụ thuộc nguồn điều tiết từ các hồ thủy điện trong những vụ xuân tới, các cấp, ngành cần sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới những trạm bơm ven sông lấy nước ở mực nước thấp...