Dồn lực, quyết tâm cao thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học mới
BHG - Năm học 2024 – 2025 đã bắt đầu. Đây là năm học mà Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Điều này đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh những thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đan xen. Bước vào năm học mới, ngành giáo dục Hà Giang đã và đang dồn lực với quyết tâm cao nhất để khép lại thành công một giai đoạn, làm nền tảng cho chu kỳ mới tiếp tục đi vào chiều sâu chất lượng.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên (PV) Báo Hà Giang điện tử đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh.
PV: Xin đồng chí cho biết, việc tổ chức giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh thời gian qua (giai đoạn 2019 – 2023) được triển khai như thế nào và đã đạt kết quả ra sao?
Đồng chí Bùi Quang Trí: Để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Giang đảm bảo hiệu quả, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ GD&ĐT về Chương trình GDPT 2018. Đăng tải các thông tin, tham gia các buổi đối thoại để thông tin đến toàn thể phụ huynh học sinh, học sinh về lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Trên cơ sở đó, hằng năm, Sở đã chỉ đạo các trường học ưu tiên, sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy các lớp theo Chương trình GDPT 2018 đảm bảo tất cả các môn được tổ chức dạy học. Các trường làm tốt công tác tư vấn, định hướng việc lựa chọn tổ hợp môn học, cụm chuyên đề học tập (cấp THPT) để đáp ứng tình hình đội ngũ thực tiễn tại địa phương. Bên cạnh đó, thành lập tổ giáo viên cốt cán tổ chức hỗ trợ, kiểm tra trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018; tổ chức các hội thảo chuyên môn liên trường, theo cụm.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hình thức dạy và học. Tăng cường việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, phát huy tính sáng tạo, chủ động của học sinh. Hoàn thành việc tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực học sinh theo khối lớp nhằm nắm bắt, điều chỉnh, triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng cho từng đối tượng.
Đến nay, việc triển khai công tác dạy học theo Chương trình GDPT 2018 tại các cơ sở giáo dục đang tổ chức thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT.
PV: Năm học mới này, Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Vậy, yếu tố quan trọng nhất để phục vụ chương trình này là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Quang Trí: Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học khẩn trương rà soát về đội ngũ, cơ sở vật chất để có kế hoạch kịp thời bổ sung, điều chỉnh đáp ứng triển khai công tác dạy và học. Trong đó, quan tâm đến các yếu tố quan trọng:
Thứ nhất: Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang thiếu hơn 2.000 giáo viên. Trước khi bước vào năm học mới, ngành tổ chức hội nghị với các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục rà soát, sắp xếp, có phương án tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên ngay từ đầu năm học để sớm ổn định đội ngũ ở mức tối thiểu, đáp ứng công tác dạy và học.
Thứ hai: Làm tốt công tác tuyên truyền cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 để học sinh, giáo viên, phụ huynh sớm có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đạt kết quả tốt.
Thứ ba: Tăng cường công tác quản lý, quản trị, công tác kiểm tra, giám sát trong các nhà trường. Trong đó, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, có phương án cho học sinh tiếp cận sớm với phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn về phương pháp dạy học tích cực các môn học tại các khối lớp; hội thảo chuyên đề các môn học. Đồng thời, tổ chức liên kết với các trường, trung tâm giáo dục trong và ngoài tỉnh thực hiện việc liên kết tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh có năng khiếu các môn học; gắn chất lượng giáo dục với công tác thi đua, trách nhiệm quản lý, quản trị của hiệu trưởng.
Thứ tư: Thực hiện việc đổi mới phương pháp, hình thức, kỹ thuật tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong mỗi giáo viên các cấp học và tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm; các hoạt động giáo dục nhằm phát triển đối với học sinh năng khiếu các môn học. Đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Tổ chức kiểm tra, khảo sát chất lượng giáo dục các lớp cấp tiểu học, THCS, THPT đầu năm học để xây dựng kế hoạch khắc phục tình trạng học sinh chưa hoàn thành chương trình các môn học. Xây dựng ngân hàng đề kiểm tra cuối học kỳ I, cuối năm và tổ chức các đoàn thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh các lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT hằng năm.
PV: Khó khăn chung của nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có tỉnh ta là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. Vậy, ngành khắc phục khó khăn này như thế nào trong năm học mới?
Đồng chí Bùi Quang Trí: Hiện nay, ngành GD&ĐT Hà Giang có 17.925 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT tham mưu, chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục tham mưu, phối hợp, chỉ đạo, rà soát, củng cố các trường nội trú, bán trú các cấp học để tăng số lượng học sinh trong lớp học, giảm số lớp học tại các điểm trường. Tiếp tục thực hiện Đề án chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính. Rà soát, sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn có số lượng lớp, học sinh ít theo hướng tăng quy mô, giảm đầu mối.
Bên cạnh đó, tiếp tục liên kết các tỉnh hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến môn tiếng Anh như trong năm học 2023-2024, Trường Marie Curie (Hà Nội) đang hỗ trợ đào tạo 17 giáo viên tiếng anh cho huyện Mèo Vạc; tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cấp tiểu học cho huyện Bắc Mê.
Song song với đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện dạy học trực tuyến, kết hợp học trực tiếp và dạy học qua lớp học ảo đối với môn tiếng Anh. Tổ chức dồn ghép các lớp học phù hợp để dạy các môn hiện thiếu giáo viên.
PV: Đồng chí cho biết công tác huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo và triển khai Chương trình GDPT 2018 được ngành GD&ĐT thực hiện như thế nào?
Đồng chí Bùi Quang Trí: Hiện nay, thực trạng ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo chất lượng triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Một trong những giải pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua là huy động các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và từ xã hội hóa để xây mới, cải tạo, sửa chữa các cơ sở giáo dục, nhất là trường nội trú, bán trú và trường có học sinh bán trú để đảm bảo phòng học, phòng chức năng, phòng ở, phòng ăn, nhà vệ sinh... Bổ sung nguồn lực từ ngân sách tỉnh, huyện để mua sắm đảm bảo đủ trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Đầu tư trang thiết bị đối với phòng học Tin học, tiếng Anh; trang thiết bị dạy học trực tuyến. Thông qua đây nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở giáo dục triển khai Chương trình GDPT 2018 được thuận lợi nhất.
Xin cảm ơn đồng chí!
Thực hiện: Hồng Cừ